Cánh thư ra đảo xa
N/A

Cánh thư ra đảo xa

07/05/2013

 

CÁNH THƯ RA ĐẢO XA

 

Nhạc sĩ Doãn Nguyên vừa hoàn thành bản nhạc không lời viết cho đàn tranh, sáo trúc và dàn nhạc bán cổ điển (semi-classic) với tựa đề “Cánh thư ra đảo xa”. Một bản nhạc mà chủ đề được cấu tạo từ chất liệu ngọt ngào tình tứ của điệu dân ca Lý tình tang (Lý mười thương) xứ Huế, và được phát triển vô cùng tinh tế để biến tình cảm thành sức mạnh của tình yêu Tổ quốc đến vô bờ...

 

Nhạc sĩ Doãn Nguyên

 

Từ câu nhạc mở đầu với giọng nữ vocal song hành cùng tiếng đàn tranh trên nền nhạc dây, đưa người nghe vào sự mộc mạc chân tình, đến tiếng sáo trúc ngân lên như một đồng tình vang vọng.

 

Chủ đề 1 được khẳng định dần với sự hòa điệu của dàn nhạc dây thân thương và nhắn gửi mỗi lúc càng dâng lên rạo rực, nồng nàn để rồi xuất hiện chủ đề 2 với những đợt sóng âm thanh nhấp nhô phía trước đoàn tàu ra biển lớn.

 

Khi chủ đề 2 được phát triển, tác giả huy động tổng lực cả dàn nhạc thì ta như thấy cả những hạm đội đang trùng điệp xuất quân trong tiếng gọi thiêng liêng dưới lá cờ bách thắng. Đó chính là cao trào của bản nhạc. Và chủ đề 1 lại tái hiện với tiếng sáo trúc êm đềm và tiếng đàn tranh thổn thức cùng giọng nữ thật gần gũi, thân thương.

 

Có thể nói, cánh thư âm nhạc của Doãn Nguyên đã nói hộ tâm tình của bao người với biển đảo của Tổ quốc thân yêu. Ông chia sẻ: “Đây là tác phẩm viết cho dàn nhạc bán cổ điển hòa tấu, cùng với 2 nhạc cụ là sáo trúc và đàn tranh của Việt Nam và tôi cũng lấy chất liệu của làn điệu Lý tình tang, dân ca Bình trị thiên làm chất liệu. Đây cũng là sự gửi gắm của cá nhân tôi đối với những người lính đang ngày đêm đứng ở đầu sóng ngọn gió giữ cho sự bình yên của tổ quốc. Hy vọng có dịp gần đây tác phẩm này được vang lên trên làn sóng Đài TNVN”.

 

Ban đầu, nhạc sĩ Doãn Nguyên định lấy tên bản nhạc là “Bức thư gửi trường sa”, nhưng nhạc sĩ Thụy Kha góp ý đổi tên thành “Cánh thư ra đảo xa” để hợp hơn với nội dung bản nhạc. Nhạc sĩ Thụy Kha đánh giá cao những sáng tạo của Doãn Nguyên trong tác phẩm này.

 

Sáng tạo đầu tiên là khi ông dùng chất liệu của dân ca Lý mười thương của xứ Huế, có một giọng hò rất đẹp trên tiếng đàn tranh và dàn nhạc dây. Nó giống như cánh chim bay tận ra đảo xa, làm cho người nghe có cảm giác như tinh lực của đất liền đang chuyển động khi có tiếng gọi thiêng liêng của biển đảo. Ở giữa lúc cao trào thì lại xuất hiện tiếng móc của máy điện báo, vừa lãng mạn nhưng lại hiện thực. Tái hiện lại tiếng sáo trúc và vocal khiến người ta hiểu là lá thư của đất liền đã gửi ra đảo xa, làm cho âm vang của thông tin cứ vọng mãi trong con tim của người nghe.

 

Đảo Trường Sa Lớn (Ảnh: Trần Văn Phúc)

 

Theo nhạc sĩ Thụy Kha, đây là tác phẩm không lời đầu tiên viết cho biển đảo: “Điều đặc biệt là tác phẩm viết theo thể loại semi classic cho đàn tranh và dàn nhạc semi nên rất độc đáo. Thành công của Doãn Nguyên là 1 tác phẩm rất gọn gàng, đồng thời chứa chất nhiều ý tưởng và dựng lên 1 tâm tư rất đẹp, gửi 1 tình cảm rất chân thật của người nghệ sĩ ra đảo xa. Cách dùng giọng hò thế này là 1 cách mà các nghệ sĩ tạo ra giai điệu của mình, có cái gì đó gần gũi, đậm đà bản sắc dân tộc”.

 

Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng, đối với mỗi người sáng tác có những nguyên cớ rất thú vị; có khi chỉ cần đọc 1 bài thơ, bài báo hay nghe ai nói 1 ý gì đó thì trong đầu nghệ sĩ nảy ra sự xúc động và có thể hình thành ngay 1 tác phẩm. Trần Đăng Khoa vui mừng vì những tác phẩm viết về Trường Sa của mình là nguyên cơ khơi nguồn cảm hứng cho Doãn Nguyên.

 

Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho biết: “Bản nhạc của NS Doãn Nguyên vừa kết hợp được cái vừa giản dị, vừa kinh điển, dân tộc nhưng lại rất hiện đại. Âm nhạc cũng cần đổi mới, không đổi mới không tồn tại được nhưng mà đổi mới thế nào cũng phải đi từ truyền thống mà ra thì mới thành công. NS Doãn Nguyên đã đi theo hướng đúng ấy. Tôi mong rằng nhạc sĩ Doãn Nguyên cũng như những nhạc sĩ trẻ khác nữa tiếp tục đầu tư để có những tác phẩm hay, tác phẩm lớn về đề tài lớn: biển đảo quê hương”.

 

Trường Sa có rất nhiều cột mốc: cột mốc bằng xi măng cốt thép, cột mốc đặc biệt là xương máu của các liệt sĩ nằm dưới biển và còn 1 cột mốc nữa cũng rất đặc biệt đó là những tác phẩm văn học nghệ thuật, những bài thơ, tiểu thuyết, những bức tranh, bài hát… về Trường Sa. Đấy chính là những cột mốc mà chúng ta cắm chủ quyền cho hòn đảo này. Nếu như những tác phẩm ấy có giá trị nghệ thuật đích thực thì sức sống của nó không chỉ hàng trăm năm mà muôn đời sau. Mong rằng, “Cánh thư ra đảo xa” sẽ làm được như vậy./.
 

 

Lê Thu (Theo VOV)

1
N

Âm thanh cùng tác giả