Trường ca Sông Lô
N/A

Trường ca Sông Lô

16/11/2013

 

TRƯỜNG CA SÔNG LÔ

 

Cái Tết kháng chiến đầu tiên đến với Văn Cao và vợ con nơi núi rừng heo hút vào năm 1947. Thời tiết báo hiệu mùa đông năm nay rất rét. Quả vậy, mới cuối thu mà trời đã khá buốt. Lần đầu Văn Cao biết thế nào là cái lạnh của núi rừng.

 

Nhạc sĩ Văn Cao

Một buổi chiều thu, màn đêm từ từ ập xuống, tại phố Ẻn (Vũ Ẻn-Phú Thọ), nơi Văn Cao và vợ con đang sống những ngày tản cư từ Hà Nội về. Ngồi sưởi ấm bên đống lửa bập bùng, Văn Cao mở tờ báo ra xem. Báo đã quá mấy ngày kể từ ngày phát hành. Tin chiến thắng bao giờ cũng được Văn Cao để mắt tới đầu tiên. Một cái tin in đậm vào mắt: Chiến thắng lẫy lừng sông Lô.

Ngắn thôi, mà cái tin có sức hấp dẫn lạ kỳ, cuốn hút tâm hồn nhạc sĩ-tác giả của "Quốc ca", "Thiên thai", "Suối mơ"... Chỉ vài ngày sau, Văn Cao có ngay một "chuyến" du lịch xuôi dòng sông Lô với một cán bộ pháo binh chỉ huy trận đánh sông Lô. Đó là đồng chí Doãn Tuế mà 48 năm sau là trung tướng-Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam.

Trên chiếc thuyền nan bồng bềnh, Văn Cao được nghe đồng chí Doãn Tuế tường thuật lại cho nghe khá tỉ mỉ trận đánh hôm ấy.

Tháng 10-1947, Pháp tung hơn 1 vạn quân vũ trang đầy đủ, có cả xe tăng, đại bác hùng hổ tấn công vào Việt Bắc nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến của ta. Quá bất ngờ, vừa chạm vào đất thánh, địch đã nếm ngay được những đòn giáng trả quyết liệt của quân và dân ta. Trưa ngày 24-10-1947, 5 chiếc tàu của địch từ Tuyên Quang lừ lừ về xuôi. Khi tàu địch lọt vào trận địa phục kích của ta, chiếc tàu dẫn đầu đã xơi đạn. Pháo binh chưa có kinh nghiệm. Hai phát đầu bắn trượt. Phát thứ ba trúng thân tàu. Phát thứ tư trúng mạn tàu. Được rút kinh nghiệm kịp thời, chiếc thứ hai bị pháo binh nã ba phát trúng cả ba. Hai chiếc nối sau ăn đạn bị hư hỏng nặng dạt sang một bên. Chiếc cuối cùng vội vã quay đầu tháo chạy ngược lại Tuyên Quang. Không cho chúng nó thoát, tàu đã vấp phải hỏa lực của bộ đội ta. Địch cấp tốc điều động máy bay, quân lính ở Tuyên Quang xuống, Việt Trì lên... giải nguy!

Văn Cao rất thích khi được nghe cách đánh nghi binh của ta. Trên mặt sông thì hàng trăm quả bưởi non sơn đen nổi lềnh bềnh làm địch hoảng hồn với "thủy lôi" của Việt Minh, cho tàu lánh sang một bên. Thế là địch đã trúng kế của ta, chúng đã dẫn xác vào họng súng của pháo binh. Trên bờ thì bộ binh phối hợp với dân quân du kích đốt khói hỏa mù đánh lạc hướng máy bay của địch.

Tâm hồn nhạc sĩ, tai nghe mà mắt cứ dán vào cảnh vật. Dòng nước sông Lô cuồn cuộn chảy, bãi dài lau thưa... núi non trùng điệp... núi rừng âm u... nhà sàn ẩn hiện... Văn Cao khẽ thốt lên: "Sông Lô... sóng ngàn Việt Bắc, bãi dài lau thưa, núi rừng âm u...". Không ngờ "Trường ca sông Lô" đã được mở đầu từ đấy.

Cơ quan Văn hóa-Văn nghệ lúc bấy giờ do đồng chí Tố Hữu phụ trách tản cư về Gia Điền (Phú Thọ) không xa phố Ẻn (Vũ Ẻn, Thanh Ba, Phú Thọ) mấy. Tạp chí Văn nghệ ra số đầu. Để chuẩn bị cho số tạp chí ra mắt, đồng chí Tố Hữu kéo nhà văn Nguyễn Đình Thi ra phố Ẻn gặp Văn Cao để kéo Văn Cao vào Gia Điền cùng chuẩn bị. Văn Cao nói: "Cứ để mình ở đây cũng được. Thỉnh thoảng vào họp là được rồi. Sáng tác thì ở đâu mà chẳng sáng tác được. Mình đang có hứng cho ra một cái...

Nguyễn Đình Thi chộp hỏi:

- Cái gì vậy?

Văn Cao úp mở:

- Chiến thắng sông Lô lẫy lừng như thế... Thờ ơ được sao...

Một tuần sau, Văn Cao vào Gia Điền. Hành trang mang theo "một cái" đã có tên. Đó là "Trường ca sông Lô".

Văn Cao cùng Nguyễn Đình Thi song ca. Mọi người "chết lặng" mà nghe. Hai "Nghệ sĩ nhân dân" vừa dứt, nhà văn Nguyên Hồng bốc lên: "Phải thế chư..ứ... Người ta có Đa-nuýp xanh thì mình cũng phải có sông Lô xanh chư...ứ...". Thế rồi nhà văn khóc hu hu. Người ta quen rồi. Nguyên Hồng vốn đa sầu đa cảm, rất dễ xúc động. Buồn cũng khóc. Vui... cũng khóc.

Thế là "Trường ca sông Lô" ra mắt bạn đọc ngay trong tạp chí "Văn nghệ" số đầu. Mới đấy, "Trường ca sông Lô" đã ra đời hơn nửa thế kỷ và còn mãi mãi đi cùng năm tháng, mãi mãi cùng trường tồn với sông Lô.

Một điều kỳ lạ, cùng năm 1995, Trung tướng Doãn Tuế ra đi vào đầu mùa xuân, Nhạc sĩ Văn Cao thì ra đi vào đầu mùa thu!...

Phó Đức An

1

Âm thanh cùng tác giả

Không tìm thấy nội dung theo yêu cầu.