Trường ca Sông Lô
N/A

Trường ca Sông Lô

22/10/2013

 

TRƯỜNG CA SÔNG LÔ

 

Chiến thắng Sông Lô trong chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông năm 1947 của quân và dân ta như một sự khẳng định đường lối chiến lược của Trung ương Đảng, Chính phủ và Hồ Chủ tịch, đồng thời thể hiện sức mạnh của quân đội nhân dân Việt Nam trong buổi đầu non trẻ. Những tổn thất nặng nề của quân Pháp trong trận đầu ở Bình Ca, sau đó là Khoan Bộ, Khe Lau, và, đặc biệt là thảm họa Đoan Hùng… đã khiến tham vọng của quân Pháp định “cất vó” lực lượng ta ở chiến khu Việt Bắc bị chặn đứng. Chiến thắng Sông Lô mang ý nghĩa khởi đầu cho thắng lợi của chiến dịch, bởi nó đã bẻ gãy gọng kìm phía Tây của cuộc hành binh của quân Pháp lên chiến khu Việt Bắc mùa đông năm 1947, nó được coi như một mốc son rất đáng tự hào trong lịch sử đánh giặc chống ngoại xâm của dân tộc, cả về sức mạnh của lòng dân và nghệ thuật quân sự Việt Nam.

 

Sông Lô (nguồn: Flickr)

Chiến thắng Sông Lô lẫy lừng đã trở thành nguồn cảm hứng dồi dào cho các thế hệ văn nghệ sĩ Việt Nam sáng tạo bên những tác phẩm thấm đẫm chất anh hùng ca và chủ nghĩa yêu nước. Cùng thời điểm này (tháng 10 năm 1947), nhạc sĩ Văn Cao được cử lên chiến khu Việt Bắc tham gia kháng chiến. Ngày 24 tháng 10 năm 1947, bộ đội pháo binh đã làm bắn cháy 4 tàu chiến của Pháp, làm bị thương hàng trăm lính Pháp, cắt đứt hoàn toàn tuyến vận tải thủy theo đường sông Lô lên Việt Bắc buộc thực dân phải dùng đường hàng không tiếp tế cho quân Pháp ở Tuyên Quang nhưng ngay sau đó buộc phải rút quân khỏi Việt Bắc.

Quân Pháp vừa rút đi cũng là lúc Văn Cao đang ngược dòng Lô giang, trên xóm làng ven song vừa tan bóng giặc. Ông đã tận mắt nhìn thấy quang cảnh tiêu điều, xơ xác của xóm làng bị đốt trụi “nền nhà trơ than xám”, cảnh “thây giặc trôi trở về ngập bờ”… xen lẫn cảnh dân đôi bờ hân hoan vui chiến thắng đang bắt tay xây dựng lại xóm làng; cảnh “đoàn quân thời chinh chiến” trên đường chiến thắng trở về chiến khu… và nét thi vị của dòng sông Lô bao la, hùng vĩ chảy về xuôi...

Ở Trường ca Sông Lô, sự dài hơi trong những câu nhạc, sự bất ngờ của những cung âm càng chứng tỏ sự trưởng thành của nhạc Văn Cao và tân nhạc Việt Nam ngay từ thời kỳ đầu của chế độ mới.

Trường ca Sông Lô chính là đỉnh cao nhất của nhạc kháng chiến nói riêng và tân nhạc Việt Nam nói chung. Ngoài khả năng nắm bắt, cảm nhận và phản ánh trung thực bằng nhãn quan và trái tim mẫn cảm của nghệ sĩ, nhạc Văn Cao có sức quyến rũ đặc biệt bởi sự biến ảo của giai điệu khi đột ngột chuyển từ chủ âm qua hạ át âm, từ giọng trưởng qua giọng thứ và ngược lại. Đôi khi trong một câu nhạc. Có chỗ, sự biến hóa chỉ nửa cung nhưng đã tạo nên sức hấp dẫn, tài tình.

Trường ca Sông Lô được đánh giá như một tác phẩm vĩ đại không kém bất cứ một tuyệt tác âm nhạc nào của loại nhạc cổ điển Tây Phương. Nét nhạc của trường ca mạnh mẽ, khỏe khoắn và tươi sáng xen lẫn những khúc bi ca oai hùng… Trường ca Sông Lô là sự phô diễn tuyệt vời nhất khả năng chuyển đoạn, chuyển điệu tài tình của nhạc sĩ, khiến nhịp điệu của tác phẩm vô cùng phong phú và hấp dẫn.

Mở đầu trường ca, âm hưởng, nốt nhạc và ca từ phá thảo nên bức tranh thơ mộng về dòng Lô mênh mang sóng nước với những bãi ngô ngút ngàn và xa xa là âm u rừng núi. Những mái nhà chỉ còn là tàn tích của trận chiến oai hùng vừa đi qua. Những hình ảnh này được khắc họa qua giai điệu da diết, mênh mang, chậm và tình cảm bằng những quãng thứ nối nhau một cách hiệu quả. Nhưng rồi, tới đoạn tiếp theo, giai điệu đã thoắt chuyển sang một cung bậc khác của tình cảm bằng những quãng trưởng đầy đặn, trong sáng, cao vút, với lời ca vừa bay bổng huyền diệu, vừa tả thực với những hình ảnh còn nóng hổi chiến công và niềm hân hoan sau chiến thắng của người dân Việt Bắc.

Tuy nhiên, niềm vui sau chiến thắng cũng không phải đã xóa nhòa những đau thương mà vùng đất này vừa trải qua nên tiếp ngay sau đó lại là một đoạn nhạc chậm- trầm lắng và hình ảnh tàn quân Pháp rút đi, còn để lại mối hờn căm trong lòng người và những mái tranh còn trơ lại tàn than xám…

Trường ca Sông Lô như một trang sử viết bằng âm nhạc của ngày đầu kháng chiến bởi nó không viết từ một góc nhìn riêng nào đó của cuộc chiến. Nó mang một vẻ đẹp hoàn hảo với góc nhìn đa chiều để người cảm thụ âm nhạc nhận ra một điều sâu sắc: từ cuộc chiến này con hiểu rõ sức mạnh của chính mình, khả năng của chính mình quyết trỗi dậy từ những đau thương, mất mát. Trải qua sự tàn phá của chiến tranh con người càng quý giá vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ và những thành quả do bàn tay mình tạo nên.

Cả đoạn điệp khúc tiếp theo của trường ca là một nhịp điệu tươi vui, hào hùng, tràn đầy niềm tin về một tương lai tươi sáng bên dòng Lô oai hùng:

“Vui hát ca hòa vui hát ca hòa dân buông lưới. Phan Lương vui bóng thuyền. Lều dựng lên ven sông. Bóng người sầm uất bến Then… Mừng một mùa chiến công. Vui hát ca hòa vui hát ca hòa dân vui nắng. Và đài hoa lưu luyến,xanh rừng đầy lá búp non… hòa mạch cùng với xuôi.”

Câu kết cho tác phẩm là một giai điệu nhẹ nhàng êm ái, như dòng Lô trôi êm ả thanh bình, với bóng tre in xuống ven bờ…như chưa hề có bóng dáng một cuộc chiến tàn khốc vừa đi qua !

“Dòng sông Lô trôi. Dòng sông Lô trôi. Mùa xuân tới. Nước băng qua qua ngàn nước in ven bờ xanh in bóng tre. Dòng sông Lô trôi…”

Sông Lô được coi như một đỉnh cao tuyệt đẹp về thể loại trường ca và có thể so sánh với bất cứ tác phẩm nào của Tây Phương!

Hồ Thị Sinh Nhật
(theo: Hướng nghiệp & Hòa nhập)
 

1

Âm thanh cùng tác giả

Không tìm thấy nội dung theo yêu cầu.