Thương lắm Trường Sa
THƯƠNG LẮM TRƯỜNG SA
Sau phiên họp thứ 2 của Hội nghị BCH Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa VIII lần thứ 6 tại TP. Hải Phòng các bạn Chưởng, Tú, Công, Nguyệt… ở Bộ Tư Lệnh Hải Quân cùng đi với tôi trong chuyến đi thăm Trường Sa vừa qua, đến đón tôi về Nhà khách Hải Quân, và chúng tôi cùng ôn lại biết bao kỷ niệm…
Album: Thương lắm Trường Sa (Nguyễn Văn Hiên)
Buổi sáng hôm đầu tiên từ Trường Sa về, vợ tôi hỏi anh nằm mơ thấy gì mà nói “Tới bờ rồi hả?”. Suốt mấy đêm liền tôi luôn mơ thấy biển.
Trường Sa đã để lại trong lòng tôi nhiều ấn tượng. Từ năm 2004 mỗi năm Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Quân chủng Hải quân tổ chức một chuyến đi thăm và kiểm tra các hoạt động trên quần đảo Trường Sa, đến nay, đoàn chúng tôi đi là đoàn thứ chín. Và, đặc biệt năm nay thành phố yêu cầu tổ chức hai đoàn nên đoàn chúng tôi được gọi tên là Đoàn công tác 1. Đoàn công tác 1 TPHCM do đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm, phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân TPHCM làm trưởng đoàn; phó đoàn là Phó Đô đốc Hải quân Trần Thanh Huyền, Chính ủy Quân chủng Hải quân, đã hoàn thành chuyến đi từ ngày 15 đến 23/4/2012.
6 giờ sáng chủ nhật 15/4 chúng tôi tập trung tại Ủy Ban Nhân dân TPHCM. Trời còn sớm. Trên khoảng sân rộng nơi đậu xe trước Ủy ban những cánh chim bồ câu lúc bay lên lúc đáp xuống rợp một khoảng trời. 6 giờ 20 chúng tôi đi đến trước tượng đài Bác Hồ dâng hoa trước khi lên đường đi chuyến công tác đặc biệt: Trường Sa.
Sau khi làm lễ dâng hoa lên Bác, chúng tôi đến Cảng Cát Lái. Từ đó xuống tàu HQ 960 rời cảng, xuôi theo dòng sông Lòng Tàu qua Cần Giờ, qua Vũng Tàu rồi trực chỉ ra biển Đông. Thời tiết tốt. Biển lặng. Trời êm. Chúng tôi lên boong tàu hóng gió. Xung quanh là một màu xanh của biển trời. Mênh mông gió. Mênh mông nước. Cần Giờ, Vũng Tàu chỉ còn là một chấm nhỏ rồi mất hút phía sau con tàu.
Đảo chìm Tốc Tan
Đêm xuống. Bầu trời đầy sao. Những ngôi sao lấp lánh chi chít khắp bầu trời. Nửa đêm có người nói tàu đang đi qua mỏ dầu Bạch Hổ. Thế là kéo nhau ra boong xem. Một vùng ánh sáng rực rỡ phía bên mạn tàu trái. Bên cạnh đó là một nhà giàn. Một trái phá được bắn lên, bừng sáng rồi rơi xuống vẽ thành một vòng cong để chào mừng đoàn từ phía dàn khoan.
Gió về đêm hơi lạnh. Mọi người nhỏ to trò chuyện rồi ngủ đi lúc nào không biết.
---------------oOo---------------
Hết giờ nghỉ. Toàn tàu báo thức,báo thức toàn tàu!
Sau tiếng chuông là một tràng tiếng báo tin về chương trình hoạt động trong ngày. Và rồi là những tiếng ca tiếng nhạc không dứt. Mọi người lục tục làm vệ sinh buổi sáng, chuẩn bị cho một ngày ngủ nghỉ trên tàu vì phải trải qua hai ngày hai đêm mới đến đảo Trường Sa lớn, phải mất 45 giờ hoặc hơn thế mới đến được đảo đầu tiên của cuộc hành trình.
Ở trên tàu. Mỗi ngày ăn bốn bữa. Sáng 5 giờ, rồi 10g30, chiều 5 giờ và tối 10g đêm. Chủ yếu ăn và ngủ trên tàu. Các buổi sáng buổi chiều và đêm hoạt động trên đảo, thăm hỏi, tặng quà, nghe các báo cáo và trao đổi với các cán bộ chiến sĩ, và phục vụ văn nghệ, giao lưu… Đi cùng đoàn có một nhóm văn nghệ được gọi là văn công. Trừ NSƯT Quỳnh Liên, còn lại là những giọng ca trẻ: Nguyễn Phi Hùng, Trung Hậu, Khánh Hồng, Ngọc Giang, Bảo Phương, Hà Ngọc và hai giọng ca cổ còn rất trẻ đã từng đoạt giải Trần Hữu Trang: Vũ Thanh Lâm và Hồng Thắm. Ấy thế mà “quậy” cũng ra trò, hấp dẫn được nhiều người. Còn Đại Ân suốt ngày ôm đàn organ, hết tập cho nhóm này nhóm nọ rồi đệm nhạc cho nhóm văn công ca hát, biểu diễn phục vụ mọi người.
Dọc hải trình, thỉnh thoảng một vài cơn mưa nhỏ thoáng qua. Tôi vào cabine ngồi trò chuyện cùng các chiến sĩ trẻ tổ lái tàu. Chúng tôi đi trên chiếc tàu mang tên TITAN. Đây là chiếc tàu cứu hộ có thể chịu đựng được giông tố, biển động trên cấp 12. Do đó, mặc dù giông bão cỡ nào, TITAN vẫn xông vào biển khơi, lướt sóng, lao vào cuồng phong sóng dữ để cứu nạn cứu hộ. Đó là nhiệm vụ và cũng là sứ mạng cao cả của tàu TITAN có phiên hiệu HQ 960 của Lữ đoàn 125. Lịch sử ra đòi của Lữ đoàn cũng mang tính chất “huyền thoại”! Để chi viện cho cách mạng miền Nam, cùng với Đoàn 559 mở đường Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn, Đoàn 759 (tiền thân của Đoàn 125) được thành lập để mở đường Hồ Chí Minh trên biển.
Trong suốt 16 năm vận chuyển chi viện chiến trường miền Nam, Hải quân Nhân dân Việt Nam (HQNDVN) đã sẵn sàng chấp nhận mọi hy sinh, gian khổ, mưu trí vượt qua các tuyến bao vây, phong tỏa, đối phó với từng thủ đoạn của địch, sáng tạo ra nhiều phương thức hoạt động độc đáo, táo bạo, hình thành nhiều tuyến, mở hàng chục bến bãi thuộc hầu hết các tỉnh ven biển miền Nam, đến tận cùng của đất nước và sát cửa ngõ Sài Gòn; vận chuyển kịp thời và đúng thời cơ hàng ngàn tấn vũ khí, đạn dược, thuốc men, hàng chục ngàn lượt người đến những chiến trường khó khăn nhất, góp phần chi viện đắc lực cho cách mạng miền Nam.
Đường Hồ Chí Minh trên biển Đông mãi mãi trở thành con đường huyền thoại, là nét độc đáo của nghệ thuật quân sự Việt Nam. Cán bộ, chiến sĩ Đoàn 125 đã thể hiện cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, phẩm chất cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, xứng đáng với lời tuyên dương: Chiến đấu trên vùng biển Tổ quốc, luôn luôn đương đầu với địch, vật lộn với sóng to, gió lớn và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong những tình huống phức tạp, khó khăn. Đoàn đã hai lần được tuyên dương Đơn vị Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân (LLVTND), được tặng thưởng 311 huân chương các loại, có 3 tàu và 5 cán bộ được tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.
Tập hát ca khúc mới trên tàu TITAN
Trung tá Võ Tiến Cư kể tôi nghe nhiều về Lữ 125. Anh còn rất trẻ, nhanh nhẹn trong lời nói cũng như trong việc làm. Thỉnh thoảng anh ghé vào phòng chúng tôi chơi. Phòng chúng tôi ở tầng 1, mang số 6 gồm 5 người: Thượng tọa Thích Hiển Đức, thẩm phán Nguyễn Xuân Tùng, thạc sĩ Phạm Văn Kết (chánh văn phòng Liên đoàn Lao động TP), thạc sĩ Phạm Dứt Điểm (chủ tịch công đoàn Sở Ngoại vụ TP) và tôi. Theo Cư, ở tầng 1 (dưới hầm tàu) có thuận lợi là khi biển động ít bị lắc nghiêng ngả, nhưng cũng có bất tiện là không có sóng mặc dù chung quanh là biển cả! Sóng ở đây là sóng điện thoại, muốn sử dụng điện thoại phải lên từ tầng 2 trở lên hoặc ra boong tàu. Tôi chợt nhớ đến một bài hát của Từ Huy, Nếu biển không có sóng, biển đâu còn dạt dào… và nhớ những lần đùa cùng anh tôi hát: Nếu biển không có sóng, điện thoại đâu cần xài, nếu không dùng điện thoại, ta thấy lòng nôn nao…
Chúng tôi đến đảo Trường Sa lớn lúc 6 giờ sáng ngày 17 sau hai ngày hai đêm vượt trùng dương. Tàu neo lại. Và, chúng tôi chuyển sang những chiếc thuyền, những chiếc xuồng nhỏ trung chuyển để cập vào bờ.
Đảo không hoang vắng. Nhiều mảng cây xanh trên đảo. Những đảo khác những ngày sau đó chúng tôi đến cũng vậy. Rất nhiều loại cây thích hợp với Quần đảo Trường Sa: cây phong ba, cây bão táp, cây tra, cây bàng quả vuông, xương rồng, phi lao, muống biển, dừa, đu đủ… cũng như các loại rau.
Là một hòn đảo được mệnh danh là “Thủ đô của huyện đảo Trường Sa” nổi lên như một pháo đài sừng sững kiên trung giữa Biển Đông, đảo Trường Sa nằm ở phía Nam và là đảo lớn của quần đảo Trường Sa, cách Cam Ranh (Khánh Hòa) 254 hải lý. Đảo có hình dáng gần như một tam giác vuông, có cạnh huyền nằm theo hướng Đông Bắc – Tây Nam. Mặt đảo bằng phẳng, thổ nhưỡng trên đảo là cát san hô được phủ một lớp mùn mỏng lẫn phân chim của nhiều loài chim sinh sống ở nơi đây như hải âu, hải yến, vịt biển.
Đảo Trường Sa Lớn nằm trên nền san hô ngập nước, nền san hô ở phía Đông rộng thoai thoải, phía Tây hẹp và dốc. Trên đảo có nước lợ nằm ở độ sâu khoảng hai mét thuận tiện cho tắm, giặt, tưới cây, đây là sự ưu đãi của thiên nhiên dành cho con người ở đảo. Đảo Trường Sa còn gọi là thị trấn Trường Sa là Trung tâm Hành chính của huyện đảo Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa. Bên cạnh các đơn vị quân đội, trên đảo có các hộ dân, các công trình dân sự, văn hóa tâm linh như: Trạm khí tượng thủy văn nằm trong hệ thống khí tượng thủy văn quốc gia và thế giới, thường xuyên cung cấp tình hình thời tiết, khí hậu, khí tượng ở khu vực Biển Đông, nhà khách Thủ Đô (do Hà Nội xây tặng), nhà tưởng niệm Bác Hồ, tượng đài liệt sĩ, chùa Trường Sa Lớn…Nằm ở trung tâm quần đảo Trường Sa, đảo Trường Sa là nơi thuận tiện cho ngư dân tránh gió bão.
Bây giờ là mùa khô, khí hậu rất khắc nghiệt, ngày nắng, nóng, oi bức kéo dài từ 4g30 sáng đến 19 giờ hàng ngày, nhưng đây là thời kỳ sóng yên, biển lặng rất thuận lợi cho mùa đánh bắt hải sản của ngư dân các tỉnh ven biển Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Khu vực biển quanh đảo có nguồn hải sản phong phú có giá trị kinh tế cao thu hút nhiều tàu đánh bắt cá xa bờ của ngư dân các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận… Chính điều kiện trên đã làm cho mảnh đất nơi đây in đậm những dấu vết của người Việt xưa. Những phát hiện khảo cổ là căn cứ lịch sử và pháp lý để khẳng định chủ quyền quần đảo Trường Sa là của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam ngày nay.
Chúng tôi dự lễ cầu siêu các anh hùng liệt sĩ tại chùa Trường Sa Lớn. Cùng đi trong đoàn có thượng tọa Thích Hiển Đức tụng kinh, gõ nhiều hồi chuông. Tiếng chuông chùa lan tỏa trong không gian hướng mọi người nhớ đến biết bao người đã khuất vì chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Sau đó chúng tôi đến tượng đài liệt sĩ thắp hương và dâng hương ở nhà tưởng niệm Bác Hồ. Đoàn tiếp tục đi thăm các cụm chiến đấu của các chiến sĩ trên đảo, thăm đài ra-đa, thăm các hộ dân và trường học trên đảo… Nằm ở trung tâm quần đảo Trường Sa, đảo Trường Sa Lớn là nơi thuận tiện cho ngư dân tránh gió bão.
Thiếu nhi Trường Sa đón đoàn
Đêm xuống nhóm văn công đã sẵn sàng biểu diễn phục vụ. Các chiến sĩ và bà con trên đảo đến rất đông. Mở đầu chương trình không chỉ có nhóm văn công mà còn đông đảo anh chị em trong đoàn lên hát một bài tập thể tôi viết riêng cho đoàn công tác Hành trình đến Trường Sa, trưởng đoàn Nguyễn thị Quyết Tâm cũng lên hát: Vượt trùng dương chúng tôi lên đường, về đảo xa nắng cháy phong ba. Trường Sa ơi! Nơi đầu sóng ngọn gió. Chúng tôi lên đường, góp đá xây Trường Sa. Trường Sa ơi! Giữa biển khơi giông tố. Trường Sa ơi! Chan chứa yêu thương. Chúng tôi lên đường về đảo xa sóng gió. Trường Sa ơi! Gian khó xin sẻ chia.. Bên cạnh các tiết mục trẻ trung, sôi động do Bảo Phương, Hà Ngọc, Ngọc Giang biểu diễn là giọng ca ngọt ngào chất dân ca Nam bộ của Trung Hậu, là giọng nam cao của Nguyễn Phi Hùng, là giọng ca đằm thắm của Khánh Hồng. NSƯT Quỳnh Liên đã tạo sự xúc động khi hát bài Gần lắm Trường Sa và chị đã bật khóc. Những giọt nước mắt đầy cảm xúc của Quỳnh Liên không chỉ rơi trong đêm nay mà còn tiếp tục chảy khi đến những đảo kế tiếp. Trưởng đoàn Quyết Tâm cũng vậy. Trong các buổi nghe báo cáo và lắng nghe những đề xuất, kiến nghị của những người lính đảo, chị đã ứa nước mắt trước tấm lòng của người lính chỉ nghĩ đến mọi người mà không nề hà về những thiếu thốn, gian khổ của mình.
Những ngày sau đó chúng tôi đến đảo Đá Tây, Trường Sa Đông, đảo Đá Đông, đảo Phan Vinh, Tốc Tan, Thuyền Chài và An Bang, riêng đảo chìm Đá Lát chỉ bố trí nhóm văn công đến phục vụ từ ngày đầu. Sáng chủ nhật 22/4 chúng tôi đến nhà giàn DK1/15 với tên gọi là trạm kinh tế - khoa học – dịch vụ Phúc Nguyên 2.
NSƯT Quỳnh Liên hát cùng lính đảo
Theo truyền thuyết kể lai, Nguyễn Phúc Nguyên là con thứ sáu của đức Triệu Tổ Nguyễn Hoàng và Hoàng hậu họ Nguyễn, khi Hoàng hậu có thai chiêm bao thấy thần nhân cho tờ giấy viết đầy cả chữ “Phúc”, nhiều người đề nghị Bà lấy chữ “Phúc” đặt tên con thì Bà cho rằng nếu đặt tên con thì chỉ một người được hưởng phúc. Bà bèn đặt tên con là Nguyễn Phúc Nguyên. Bãi ngầm Phúc Nguyên là một bãi thoải không đều, nằm chìm dưới mực nước biển, điểm nhô lên cao nhất nằm cách mặt nước biển khoảng 18m, điểm nhô thấp nhất nằm sâu cách mặt nước tới 200m. Trước đây có nhà giàn DK1/6 Phúc Nguyên nhưng trong cơn bão số 8 vào lúc 3 giờ sáng ngày 14/12/1998 nhà giàn đã bị đổ, hất tung 9 cán bộ chiến sĩ đang bám trụ xuống biển. Ba ngày sau, tàu HQ 606 đã cứu được 6 người, còn 3 chiến sĩ đã mãi mãi ở lại với biển khơi.
Bây giờ nhà giàn mới DK1/15 Phúc Nguyên 2 đã được xây dựng trên bãi cạn Phúc Nguyên tiếp tục sứ mệnh lịch sử làm nhiệm vụ chốt giữ, bảo vệ nhà trạm và vùng biển, vùng trời được phân công.
Nhà Giàn DK1/15 Phúc Nguyên 2
Các chiến sĩ ở nhà giàn rất ngạc nhiên nói, thường thường các đoàn khác khi đến thăm sóng to gió lớn làm thuyền bập bềnh mọi người không thể đặt chân lên nhà giàn được, không ngờ đợt này trời êm biển lặng, ai cũng có thể lên thăm. Sau khi trở về tàu TITAN đầy đủ, toàn tàu bắt đầu tiến hành lễ tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh tại nơi này. Một chiếc xuồng được bố trí chở các nhà báo ra cách tàu mấy chục mét để tác nghiệp. Từ khoảng cách đó các nhà báo có thể chụp hình và quay phim toàn cảnh buổi lễ đang diễn ra trên tàu. Phó đô đốc Trần Thanh Huyền đọc bài tưởng niệm rất xúc động. Mọi người thắp hương tưởng nhớ, và chuyển hai vòng hoa lớn của TPHCM và Hải quân đưa xuống biển. Ai cũng thả xuống biển một cành hoa thương nhớ cùng những món quà tùy tâm.
Biển mênh mông đón nhận những tấm lòng tưởng nhớ đến các chiến sĩ đã nằm yên trong lòng biển cả. Trời lặng gió. Mênh mông sóng biển chập chùng.
Các phóng viên tác nghiệp
---------------------oOo------------------
Sau 9 ngày đến với Trường Sa chúng tôi đã thăm 4 đảo nổi, 5 đảo chìm và một nhà giàn. Chuyến đi đã để lại trong lòng mọi người biết bao cảm xúc và kỷ niệm, nhất là hiểu thêm về quần đảo Trường Sa, tuy xa mà gần, với chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Tôi vẫn nhớ những đêm diễn trên đảo Trường Sa Lớn, Trường Sa Đông, Phan Vinh… khi ra về các chiến sĩ đã mở đèn pha trên đảo soi đường và lần lượt đưa mọi người lên tàu một cách an toàn. Và tôi đã viết bài hát “Tạm biệt Trường Sa” để cả đoàn cùng hát: Tạm biệt Trường Sa chúng tôi trở về thành phố, giữ mãi trong tim những kỷ niệm vui buồn. Ngày mai chia tay, xa rời con sóng vỗ, xa đảo mới quen, dù đảo nổi hay chìm. Trường Sa ơi, Xin tạm xa nhé! Nhớ mãi bài ca Hành trình Trường Sa. Những người lính đêm ngày bám biển. Vì chủ quyền, vì biển đảo thiêng liêng.
Và, điều không chỉ mọi người mà kể cả tôi cũng ngạc nhiên là tôi đã viết 21 ca khúc trong chuyến đi này. Các bài hát đã được nhóm văn công tập và hát phục vụ ngay trong chuyến đi. Để kết, xin trích một đoạn thơ của chị Nguyễn thị Quyết Tâm tôi đã phổ nhạc do ca sĩ trẻ Khánh Hồng hát trong chuyến đi:
…Sóng và gió cùng anh
Đã quyện thành làm một
Nên sức mạnh Việt Nam.
Như chuyện tình huyền thoại
Biển ôm đảo vỗ về
Cất giùm anh nỗi nhớ
Thương lắm ơi Trường Sa!
Trường Sa – TPHCM – Hải Phòng tháng 7/2012
Nguyễn Văn Hiên