Tâm sự Huyền Trân công chúa
TÂM SỰ HUYỀN TRÂN CÔNG CHÚA
Tôi rất bất ngờ khi Doãn Nguyên – nhạc sĩ trẻ, đã cho tôi nghe một ca khúc phổ thơ của nhà thơ Xuân Quỳ mang tên “Tâm sự Huyền Trân Công Chúa”. Trước đó, tôi đã biết một ca khúc cùng đề tài như thế của thời kháng chiến chống Pháp. Ca khúc này được nhạc sĩ Lê Xuân Ái viết năm 1949. Ca khúc viết ở điệu thức rê thứ nhưng lại kết ở bậc 6 (si giáng). Thấy cũng đã lạ bởi thổn thức bằng nhịp chậm (Andante) của giai điệu. Đến khi nghe ca khúc này của Doãn Nguyên, mới thấy từ thế hệ trước, đến thế hệ hôm nay, cảm thức thật khác nhau.
Đền thờ Huyền Trân công chúa ở Huế (nguồn ảnh: Internet)
“Tâm sự Huyền Trân Công Chúa” của Doãn Nguyên mở ra một chiều kích khác hoàn toàn. Đoạn đầu được triển khai ở nhịp vừa của điệu thức Mi thứ hòa thanh (có nốt rê thăng) nhưng lại có âm hưởng dân ca Chăm thật gần gũi không chỉ bởi giai điệu mà còn có thêm giọng vocal tốp nữ giữa các câu nhạc ngắn dài. Đến đoạn sau thì lại có đoạn ly điệu sang điệu thức La trưởng, sau đó lại trở về giọng Mi thứ. Như vậy, đoạn đầu của bài hát mang âm hưởng dân ca Chăm, sau đó ly điệu sang âm hưởng dân ca Nam Bộ rồi tái hiện lại âm hưởng ban đầu. Nhạc sĩ Doãn Nguyên đã sử dụng thủ pháp ly điệu ở đây một cách có chủ ý: đó là hình ảnh Huyền Trân Công Chúa một lần nữa được khẳng định, mang tính kết nối về mặt lịch sử…
Phải chăng đó mới là tâm trạng thực của Huyền Trân Công Chúa khi đi sang vương quốc Chăm Pa như một tình báo đầu tiên của lịch sử từ đây tổ tiên ta đã bắt đầu cuộc “Hành Phương Nam”. Bởi thế không lạ gì xen giữa âm hưởng dân ca Chăm thấy thấp thoáng âm hưởng dân ca Nam Bộ. Tâm trạng đó đã được Lê Xuân Ái gửi vào nốt kết lửng của ca khúc ở nốt si giáng, khác nhiều với cuộc chuyển điệu xa của Doãn Nguyên.
Các cụ nói “Hậu sinh khả úy” là thế, chẳng sai lời tổ tiên chút nào. Ca khúc “Tâm sự Huyền Trân Công Chúa” đã đoạt giải nhì giải thưởng Hội Nhạc Sĩ Việt Nam năm 2009. Vài năm nay ở Huế lại tưng bừng một Lễ Hội “Huyền Trân Công Chúa” để tưởng nhớ tới bà. “Tâm sự Huyền Trân Công Chúa” thường vang lên trong lễ hội này.
Nguyễn Thụy Kha
Ngồn: Âm nhạc Việt Nam Panorama (số 33 - 2014)