Một mùa xuân nho nhỏ
N/A

Một mùa xuân nho nhỏ

17/07/2013

 

MỘT MÙA XUÂN NHO NHỎ

 

Ca khúc "Một mùa xuân nho nhỏ" được  nhạc sĩ Trần Hoàn phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của nhà thơ Thanh Hải. Trong số các bài thơ được Trần Hoàn phổ nhạc,  bài "Một mùa xuân nho nhỏ" là trường hợp đặc biệt. Đặc biệt không phải vì ca khúc này hay hơn các ca khúc phổ thơ khác của Trần Hoàn như: "Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh" (thơ Đỗ Quý Doãn), "Mưa rơi" (thơ Tố Hữu) hay "Lời ru trên nương" (phỏng thơ Nguyễn Khoa Điềm) vì điều này thật không dễ đong đếm. Nó đặc biệt vì khi ca khúc hoàn thành, tác giả bài thơ đã qua đời, không được chứng kiến sự thăng hoa của tác phẩm mình để lại. Và đây là bài thơ hiếm hoi khi đi vào ca khúc của Trần Hoàn lời thơ đã được giữ gần như nguyên văn.

 

Nguồn ảnh: Internet

 

Nhà thơ Thanh Hải tên thật là Phạm Bá Ngoãn. Ông sinh năm 1930 tại Hương Điền,Thừa Thiên - Huế. Ông và nhạc sĩ Trần Hoàn (tên thật là Nguyễn Tăng Hích, sinh năm 1928 tại Hải Lăng, Quảng Trị) là đôi bạn thân thiết cùng sống và chiến đấu tại Mặt trận Trị Thiên - Huế những năm kháng chiến đầy gian khó. Trước khi mất (ngày 15/12/1980), Thanh Hải là Tổng thư kí Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên (tên gộp của ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên) và Trần Hoàn đang là Trưởng ban Tuyên huấn Bình Trị Thiên kiêm Chủ tịch Hội Văn nghệ tỉnh.

 

Bài thơ "Một mùa xuân nho nhỏ" được Thanh hải sáng tác vào những ngày cuối năm 1980, là thời điểm rất khó khăn của đất nước và của bản thân ông, khi ông đang phải ngày đêm chống chọi với căn bệnh ung thư gan. 

 

Nếu so sánh phần ca từ của ca khúc "Một mùa xuân nho nhỏ" của nhạc sĩ Trần Hoàn ta sẽ có một số thay đổi nhỏ, và sự thay đổi đó rất hợp lí. Như ngoài việc thay đổi để thuận cho việc hát như đảo "Nhịp phách tiền đất Huế" thành "Đất Huế nhịp phách tiền"; đảo "Ta nhập vào hòa ca/ Một nốt trầm xao xuyến" bằng "Một nốt trầm xao xuyến/ Ta biến trong hòa ca" thì người nhạc sĩ đã thay một chữ như: "Tôi đưa tay hứng về" (thay vì "Tôi đưa tay tôi hứng"); "Vững vàng phía trước" (thay vì "Cứ đi lên phía trước"); "Lộc trải dài nương lúa" (thay vì "Lộc trải dài nương mạ") nghe cho... thơ hơn. Ngoài ra Trần Hoàn cũng bỏ hẳn mấy cặp câu như: "Tất cả như hối hả/ Tất cả như xôn xao" "và "Dù là tuổi hai mươi/ Dù là khi tóc bạc". Sự thực đây cũng là những câu nói hơi... kĩ, làm ảnh hưởng tới chất khơi gợi của bài thơ, nó hóa...thừa và việc tước bỏ những câu này càng làm cho bài hát thêm trong trẻo, thanh thoát mà thôi.

 

Khi phổ nhạc xong bài "Một mùa xuân nho nhỏ", nhạc sĩ trần Hoàn đã muốn thu thanh dàn dựng bài hát này đầu tiên tại đất Huế, như một lời tri ân với tác giả bài thơ, nhưng thời đó phòng thu thanh ở Huế không đạt chuẩn nên ông phải chuyển ra Hà Nội. Ca khúc sau đó đã được vang xa và chinh phục khán thính giả khắp mọi miền đất nước qua sóng của Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam. 

 

Lược trích từ: Ca khúc "Một mùa xuân nho nhỏ" của nhạc sĩ Trần Hoàn: Khúc hoan ca thăng hoa từ nước mắt của Phạm Khải  

1

Âm thanh cùng tác giả

Không tìm thấy nội dung theo yêu cầu.