Mộ gác lưng trời
MỘ GÁC LƯNG TRỜI
Ai đã từng đến Hà Giang sẽ thấy một vùng núi đá chập chùng. Ai đã từng chiến đấu ở Hà giang sẽ thấy đá là bạn, là nhà. Đá chở che cho người lính biên cương. Người lính ở Biên cương luôn có nỗi niềm sâu nặng với đá.
Đất nước vừa qua gần một thế kỷ chống xâm lăng hết Pháp rồi đến Mỹ rồi kẻ thù Tây Nam, bao nhiêu thế hệ chiến sĩ chưa được ngơi nghỉ thì lại lao lên phía Bắc đuổi kẻ thù xâm phạm biên cương Tở Quốc.
Đằng sau lưng họ là hòa bình, ngay dưới chân núi là cuộc sống thế mà họ vẫn nối nhau lao lên giữ từng hốc đá, bờ suối đất tổ tiên. Cái giá để giữ tấc đất bờ cõi là máu và rất nhiều máu.
Sư đoàn 356 và nhiều sư đoàn khác sinh ra và trưởng thành từ cuộc chiến biên cương phía Bắc, làm xong nhiệm vụ vẻ vang thiêng liêng thì được giải thể. Nhưng, những trận đánh và chiến công của họ thì không bao giờ được quên lãng trong trang sử chống giặc phương Bắc.
Trận chiến khốc liệt Vị Xuyên tháng 7/1984 sẽ trường tồn cùng lịch sử của dân tộc như Chi lăng, Bạch Đằng, Đống Đa…Những cái tên 685,1509, Vị Xuyên… dù ít được nhắc đến nhưng với những người lính thì không thể quên.
Cứ 12/7 hàng năm, những CCB lại tự động kỷ niệm, gặp gỡ nhau, thăm hỏi nhau… cái tên VỊ Xuyên gắn kết chúng tôi với nhau, gắn kết các thế hệ CCB thời chống Mỹ, thời đánh giặc phía Tây Nam và giặc phương Bắc .
Bài thơ ‘Một sư đoàn hóa đá Vị Xuyên’ tôi vừa hoàn thành đầu tháng 5 vừa qua khi được mời dự chuẩn bị cho kỷ niệm 30 năm trận chiến biên giới Vị Xuyên. Bài thơ đã được đọc ngay trong lễ ra mắt ban liên lạc sư đoàn sư 356 - Một sư đoàn có gần 500 người lính ngã xuống trong trận đánh ngày 12-7-1984 tại cao điểm 772 được lính gọi là “đồi thịt băm” – nơi mãi mãi như một vết thương không thể liền da, chỉ cần chạm đến là nhức nhối.
Khi viết, tôi như thấy những hài cốt đồng đội mình trên núi cao, thấy như cả một nghĩa trang Vị Xuyên trên bình độ ngót ngàn mét quanh năm mây phủ. Những đồng đội tôi lúc sống chiến đấu và cả khi chết luôn bên cạnh đá. Đá Hà Giang - Vị xuyên mang hồn hàng ngàn người lính chết trẻ. sNhững sườn đá Vị xuyên nhấp nhô, luẩn quất hương hồn những người lính đã hy sinh luôn ngóng về xuôi với quê hương và cha mẹ.
Không có sự hy sinh lớn hay sự hy sinh nhỏ. Đổ máu cho Tổ Quốc giang sơn đều phải được nhớ ơn và ngợi ca như nhau.
Cảm ơn nhạc sĩ Quỳnh Hợp đã phổ nhạc bài thơ thành ca khúc ‘Mộ gác lưng trời’. Chị đã chia sẻ: ‘Âm hưởng dân ca vùng núi phía Bắc sẽ nhắc nhớ một trận chiến oanh liệt – bi thương; an ủi những người lính; là nỗi xót xa, dặt vặt của gia đình và hàng nghìn đồng đội còn sống từng tham gia trận chiến Vị Xuyên; để những người lính sư đoàn 356 nhớ về tháng 7.1984. Đặc biệt để thế hệ trẻ biết sự thật về một cuộc chiến đã bị lãng quên suốt 30 năm qua. Họ - những lính đã vì biên cương Tổ Quốc mà chiến đấu, hy sinh - phải được biết đến như những anh hùng, những người con ưu tú của đất mẹ Việt Nam. Bài hát còn là câu hỏi lớn, cần được trả lời để trả lại sự thật, những tử sĩ phải được ghi nhận xứng đáng cho sự hy sinh của mình vì biên cương Tổ Quốc’.
NGUYỄN TRỌNG LUÂN
(Cựu chiến binh Trường Sơn)