HƯƠNG SEN GỢI NHỚ
N/A

HƯƠNG SEN GỢI NHỚ

14/03/2013

 

CA KHÚC “HƯƠNG SEN GỢI NHỚ” VÀ KỈ NIỆM MỘT BÀI THƠ
 

Nhà văn: Bùi Tự Lực

 

Một lần truy cập website Hội Nhạc sĩ, tình cờ nhà văn Bùi Tự Lực nghe được ca khúc “Hương sen gợi nhớ”, nhạc Phạm Quang Trung, lời thơ Bùi Ngọc Tẩy - Ca khúc đạt Giải nhì (không có giải nhất) của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, năm 2012. Tác giả thơ là Bùi Tự Lực nhưng lấy tên tác giả là Bùi Ngọc Tẩy để ghi lại kỉ niệm với người bố của mình…

 

 

Cùng giới nghệ sỹ với nhau lại ở chung một thành phố, nhà văn Bùi Tự Lực và nhạc sỹ Phạm Quang Trung đã gặp nhau, trước sự ngỡ ngàng của nhạc sỹ Nguyễn Đức và nhạc sỹ Nguyễn Văn Hiếu. Nhạc sỹ Phạm Quang Trung cho rằng một sự “Kỳ ngộ”.

 

Khi bắt gặp bài thơ “Nhìn sen nhớ Bác” của Bùi Ngọc Tẩy trên mạng, Phạm Quang Trung đã cố công tìm kiếm tác giả trong giới những người làm thơ, nhưng tất cả mù tăm; cũng có người nói rằng ông cụ này đã về hưu và mất lâu rồi!

 

Ngay cả những người quen, thậm chí một thời là bạn của Bùi Ngọc Tẩy, khi biết Bùi Tự Lực là con trai của cụ, họ cũng hỏi: “Bùi Ngọc Tẩy bây giờ còn không?”…

 

Sau 33 năm bị di chứng nặng của tai biến mạch máu não (suốt từ năm 1980), đến nay cụ ông Bùi Ngọc Tẩy vẫn còn sống và đã 87 tuổi; chỉ tiếc là bây giờ (như theo cách nói của BTL), cụ thuộc nhóm 5 không: không nói, không viết, không đọc, không thấy và không nghe!

 

Tuy là vậy, cụ Bùi Ngọc Tẩy vẫn còn minh mẫn lắm, cụ “nói” bằng mắt bằng tay rằng, nếu thỉnh thoảng đồng chí con Bùi Tự Lực về thăm và tặng một nụ cười là cụ sẽ thọ đủ 100 tuổi!

 

 

VỀ BÀI THƠ "NHÌN SEN NHỚ BÁC"

 

Năm 1999, Bùi Tự Lực in tác phẩm văn học đầu tay - tập thơ “Mùa hoa bưởi”, rồi gác thơ lại chuyển sang viết văn xuôi và đã đạt được một vài thành tựu nhất định, để trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Vào đầu tháng 5/2001, Bùi Tự Lực đoạt Giải B trong Cuộc vận động sáng tác Truyện thiếu nhi (1999-2000) của Nhà xuất bản Kim Đồng, với quyển truyện vừa NỘI TÔI; Báo Đà Nẵng đăng bài giới thiệu rất trân trọng. Vài ngày sau, vào một buổi chiều, Tổng Biên tập Báo Đà Nẵng Ngô Quy Nhơn gọi điện cho Bùi Tự Lực đặt một bài thơ viết về Bác Hồ, để đăng trong số báo kỉ niệm Ngày sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo lời anh Nhơn nói thì, thơ về Bác thường thường quá nhiều rồi, báo đang cần một bài thơ hay. Nghe vậy Bùi Tự Lực từ chối. Ngô Quy Nhơn cột chặt luôn, “Vừa mới nhận một “Giải Á Quân” danh giá như thế, không thể chối từ được!”.

 

Lúc ấy, Bùi Tự Lực vừa mới trở về quê thăm ba, trên đường trở ra Đà Nẵng, đang vi vu qua vùng Câu Lâu - Vĩnh Điện. Chiều Tháng Năm sen hồng dọc đường như đua nhau khoe sắc thắm, ngào ngạt tỏa hương thơm; một nỗi nhớ dịu êm không hình hài nhuốm lên khiến lòng Bùi Tự Lực xao xuyến, trôi mênh mang trong nỗi nhớ về bà nội, về người cha, về những nét vẽ như in hình cành hoa sen với câu ca dao trong cuốn sổ tay năm nào in đậm kỉ niệm cùng với người cha... Và rồi rất tự nhiên, lời thơ thầm trong Bùi Tự Lực bỗng ngân lên quyện với hương, hòa theo với gió:

 

…Ngát hương sen con vang tiếng gọi
Bác Hồ Ơi!
Bác Hồ Ơi!


Từ dạo ấy Bác đi
Để muôn đời thương nhớ
Trong trái tim mọi người
Cứ mỗi lần sen nở
Thương nhớ Bác ngậm ngùi.

 

Bài thơ “Nhìn sen nhớ Bác” gần như Bùi Tự Lực chép ra từ trong cõi nhớ, hoàn thành ngay trong đêm hôm ấy. Đúng hẹn, BTL chuyển đến anh Ngô Quy Nhơn và bài thơ được đăng trang trọng trên Báo Đà Nẵng (Chủ nhật) số ra ngày 20/5/2001, với tên tác giả Bùi Tự Lực. Khi “Nhìn sen nhớ Bác” được Liên hiệp Hội Văn học – Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng tuyển chọn in vào tập thơ “Gửi lòng con đến cùng cha”, BTL chuyển bút danh là Bùi Ngọc Tẩy, để ghi nhớ một kỷ niệm và cũng để tôn vinh người cha kính yêu.

 

VÀ KỈ VẬT CỦA NGƯỜI CHA

 

Bùi Tự Lực sinh vào quãng đầu Thu năm Giáp Ngọ - 1954, tại làng Việt Sơn huyện Thăng Bình tỉnh Quảng Nam. Cũng vào thời gian ấy, cha của Bùi Tự Lực - là Bùi Ngọc Tẩy, một cán bộ thoát ly hoạt động bí mật - bị sa vào tay giặc và chịu cảnh lưu đày suốt 10 năm trong các nhà lao của Mỹ - Diệm.

 

Trong thời gian bị cầm tù, Bùi Ngọc Tẩy học được hai công việc: thêu đan và hội họa. Cuối năm 1963 ông thoát ngục về quê hoạt động hợp pháp với nghề thợ vẽ, chủ yếu là vẽ ảnh truyền thần và tranh chim hoa cây cảnh trang trí bàn thờ. Trong đó, hoa sen là một loại tranh ông vẽ đẹp nhất. Một thời gian ngắn sau đó, không thể hoạt động hợp pháp được nữa, Bùi Ngọc Tẩy thoát vào chiến khu, đem theo cậu con trai độc nhất là Bùi Tự Lực sau này. Mười tuổi đi theo cách mạng và năm 12 tuổi, Bùi Tự Lực đã là một chiến sỹ Giao bưu thực sự; có những lần “Giao bưu nhí” Bùi Tự Lực tự mở đường trong đêm, đưa “đồng chí cha” Bùi Ngọc Tẩy là Ủy viên Ban Binh địch vận tỉnh Quảng Nam qua vùng địch hậu.

 

Sau Tổng tấn công và nổi dậy Mùa Xuân 1968, Bùi Tự Lực được chuyển ra miền Bắc chữa bệnh và học tập. Trên đường ra Bắc tình cờ Bùi Tự Lực gặp ba mình là ông Bùi Ngọc Tẩy tại một Trạm Giao liên Giải phóng ở Chiến khu Tiên Lãnh (Quảng Nam). Đêm ấy, hai cha con không treo võng mà ôm nhau ngủ trên tấm sạp nứa đặt dưới đất và nói rất chuyện: Rằng công cuộc Cách mạng miền Nam còn đấu tranh gian khổ hơn nhiều; ba ở lại có thể sẽ hy sinh, con ra ngoài Bắc sẽ được gặp bác Hồ, được đi học, có thể sẽ thành bác sĩ, kỹ sư trong tương lai…Một việc làm rất quan trọng là Bùi Ngọc Tẩy lấy bộ hồ sơ có ghi “Gởi anh Quốc” Bùi Tự Lực mang theo mở ra, rồi thay cái lý lịch gốc, sửa cái tên từ Bùi Tiến Lực thành Bùi Tự Lực. Bùi Ngọc Tẩy lý giải cho con trai nghe ý nghĩa của cái tên Bùi Tự Lực và dặn đi dặn lại, “Hãy nhớ là từ nay tên của con là Bùi Tự Lực, cố gắng sống như thế nghe con!”. Sáng hôm sau cảnh cha Nam, con Bắc hai người chia tay nhau; kỷ vật của người cha mà Bùi Tự Lực mang theo là một quyển sổ cạc - nê nhỏ, trang đầu tiên Bùi Ngọc Tẩy vẽ bằng bút bi một cành hoa sen rất đẹp và chú phía dưới:

“Tháp mười đẹp nhứt Bông Sen
Việt Nam đẹp nhứt có tên Cụ Hồ”

 

Trang tiếp theo là mấy câu phương châm:

 

“Không mê muội vì giàu sang
Không lay chuyển vì nghèo nàn
Không khuất phục vì uy vũ”.

 

Sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975), hai cha con Bùi Ngọc Tẩy - Bùi Tự Lực trở về quê hương công tác, mỗi người một gia cảnh, một công việc. Bùi Ngọc Tẩy là cán bộ lãnh đạo cao cấp của huyện, Bùi Tự Lực theo nghề dạy học, mỗi người một vị trí; trong bộn bề công việc của quê hương sau ngày giải phóng nên hai cha con thỉnh thoảng mới có dịp ngồi lại với nhau. Và cha con “đồng chí” đã hẹn nhau vào một dịp không xa sẽ ngồi thật lâu để hoạch định một kế hoạch chi tiếc cho mai sau.

 

Mùa hè năm 1980, Bùi Ngọc Tẩy bất ngờ bị Tai biến mạch máu não nặng, khi mới vào tuổi 53. Lúc ấy Bùi Tự Lực đang đi thăm bạn và nghỉ hè tại vịnh Hạ Long (Quảng Ninh). Nhận được tin ở nhà đang chờ mình về nhìn mặt cha trước lúc lâm chung, Bùi Tự Lực tức tốc quay về. Về đến Bệnh viện C Đà nẵng, dường như đã quá muộn, bất lực nhìn cha nằm thoi thóp với bình ô-xy, thân thể quắt khô, tay chân bất động; nghe tin ở trong quê mọi việc tang lễ đã chuẩn bị xong.

 

May mà Bùi Tự Lực còn về kịp, phút giây cuối cùng cha con còn được gặp nhau! Coi như tạo hóa đã an bài! Bùi Tự Lực cắn môi nắm bàn tay cha. Cái bắt tay vĩnh biệt tình cha con, tình đồng chí!

 

Nhưng…điều kỳ diệu đã diễn ra, bất ngờ Bùi Ngọc Tẩy trở bệnh, trên khuôn mặt gầy khô cả chục ngày nay bỗng thoáng qua tín hiệu sống. Ông đã vượt qua cơn tai biến hiểm nghèo.

 

Rất vui khi Bùi Ngọc Tẩy được trở lại với cuộc đời, nhưng cũng rất buồn khi di chứng kèm theo cũng hiểm ác: liệt nửa người, không biết nói, không biết viết, may mắn là còn biết cười và ngồi được trên xe lăn.

 

 

KÍ ỨC HOA SEN

 

Là cha con nhưng Bùi Ngọc Tẩy và Bùi Tự Lực ít có thời gian dành cho nhau, những đêm cha con ngủ bên nhau có thể đếm được trên đầu ngón tay. Chắc có lẽ một kỷ niệm đẹp nhất của Bùi Tự Lực với người cha là đêm ở Trạm Giao liên Giải phóng năm 1968 tại Chiến khu Tiên Lãnh, với cuốn sổ tay có vẽ cành hoa sen.

 

Ngược dòng thời gian, những năm tháng tuổi thơ, gia đình rơi vào nghịch cảnh phân li trong vùng tạm chiếm, cuộc sống của Bùi Tự Lực với bà nội gắn liền với cái ao sen, ven bờ trồng rau muống, dân làng gọi là “Ao sen bà Đỉnh”.

 

Những năm Bùi Tự Lực làm Chánh Văn phòng huyện ủy Thăng Bình, trước mặt cơ quan là bàu sen Hà Kiều thơ mộng. Dọc tuyến đường Tam Kỳ - Đà Nẵng thường xuyên đi qua, ở đâu Bùi Tự Lực cũng nhìn thấy hoa sen vào mùa Hạ. Và ngay bây giờ, nơi Bùi Tự Lực đang sống và làm việc cũng cạnh Khu Đầm Sen ngay giữa lòng thành phố Đà Nẵng.

 

(Ban biên tập trân trọng cám ơn nhà văn Bùi Tự Lực đã gửi bài viết rất xúc động về nhà lão thành cách mạng Bùi Ngọc Tẩy, cùng xuất xứ bài thơ "Nhìn sen nhớ Bác" là nguồn cảm hứng để nhạc sĩ Phạm Quang Trung viết nên ca khúc "Hương sen gợi nhớ"! Trong bài có sử dụng ảnh của Orent Sea - nguồn Flickr. Thân thành cám ơn tác giả ảnh Orent Sea!)
 

1

Âm thanh cùng tác giả

Không tìm thấy nội dung theo yêu cầu.