Hoa gạo
N/A

Hoa gạo

10/06/2013

 

HOA GẠO

 

Tháng 3 âm lịch.
Mùa hạ bắt đầu thắp lửa trên từng ngọn cây. Gió đưa về những ước mơ của một thời thơ ấu. Ấy là khi hoa gạo bắt đầu đỏ rực như một ngọn đuốc hướng thẳng lên trời cao để bao nhiêu những kỉ niệm xưa cũ bỗng ùa ập về trong nỗi nhớ.

 

Tháng 3 mùa hoa gạo nở. 
Mọi thứ đến rồi lại đi, quá khứ và thực tại nhiều khi vẫn là một. Ấy là tâm trạng của người nghệ sĩ để tâm hồn lang thang về cõi hư vô, rồi bắt gặp những vần thơ, thật vô tình mà sao cảm thấy gần gũi, thân quen như chính lòng mình vậy.

 

Đi qua mùa hạ,
mùa hạ xa chưa?
Gặp cây hoa gạo ngày xưa
ngày xưa đỏ trời.

 

Và thế là nhạc sĩ bắt đầu cầm bút viết những nốt nhạc đầu tiên. Ca khúc “Hoa gạo” kể về thân phận cuộc đời của mỗi con người, bắt nguồn từ bài thơ cùng tên của nhà thơ trẻ Vũ Thị Huyền. Thơ và nhạc quyện vào nhau, thơ vẽ nên nét giai điệu cho nhạc, nhạc chắp cánh cho thơ bay, giữa nhà thơ và nhạc sĩ dù chưa một lần gặp mặt nhưng đã có sự đồng cảm sâu sắc tự bao giờ.

 

Bài thơ với những câu thơ buồn, ý thơ đầy tâm trạng, tứ thơ đầy triết lí và đượm chất thiền:

 

Hoa trong giông gió ai hay,
chỉ tôi biết nhựa trong cây luân hồi.
Đất cằn hoa vẫn ngậm cười.
Không đâu so tị mây trời có xanh.

 

Thơ cũng như nhạc: có cách biểu hiện chung cho tất cả mọi người, có cách biểu hiện riêng cho chính mình. “Hoa gạo” thuộc cách biểu hiện thứ hai, là tâm trạng của nhà thơ, là nỗi lòng của nhạc sĩ. Bởi vậy mà nhạc sĩ khi phổ nhạc cho thơ đã chọn nhịp ¾, làm cho giai điệu thong thả, bồng bềnh, phiêu lãng, đi mà như không đi, cuộc đời chảy trôi nhẹ nhàng, đều đặn.

 

Nhà thơ thật tinh tế khi nhận thấy sự vận động của trời đất, của thiên nhiên, của kiếp người như ẩn vào thân phận một loài hoa: “Hoa trong giông gió ai hay, chỉ tôi biết nhựa trong cây luân hồi”. Nhạc sĩ sử dụng thủ pháp thay đổi nhịp, ở ô nhịp thứ 11 chuyển sang nhịp chẵn 4/4 để trọng âm được chuyển cả vào chữ “trong” là nốt Si giáng đen có chấm dôi ở ô nhịp thứ 12. Và nỗi buồn được khắc họa rõ nét hơn, tâm trạng trở nên sâu sắc hơn. Cái khó nhất trong sáng tác ca khúc chính là làm thế nào để nói được những cảm xúc bất chợt xuất hiện trong tâm hồn người nghệ sĩ, thì ở ca khúc này, cái khó chính là thủ pháp đổi nhịp để chuyển trọng âm tạo nên nét thăng hoa bất chợt ấy.

 

Tháng 3 âm lịch.
Mùa hạ bắt đầu thắp lửa trên từng ngọn cây. Gió đưa về những ước mơ của một thời thơ ấu. Ấy là khi hoa gạo bắt đầu đỏ rực như một ngọn đuốc hướng thẳng lên trời cao để bao nhiêu những kỉ niệm xưa cũ bỗng ùa ập về trong nỗi nhớ. Ca khúc kết thúc bằng câu thơ “Lại nhìn hoa thắm như chưa bao giờ” được nhắc đi nhắc lại 5 lần, như ngọn lửa thắp lên niềm tin và hi vọng vào tương lai tốt đẹp, đó chính là lời tâm sự của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân khi nói về ca khúc “Hoa gạo”.

 

Lời bình: Trần Văn Phúc

1

Âm thanh cùng tác giả

Không tìm thấy nội dung theo yêu cầu.