Cảm xúc Đèo Ngang
CẢM XÚC ĐÈO NGANG
Hơn trăm năm trước, lần đầu đi qua Đèo Ngang, xúc cảm trước cảnh đẹp thiên nhiên cùng với tâm lí hoài cổ đè nặng tâm hồn người lữ thứ, nữ sĩ Huyện Thanh Quan đã vẽ lên bức tranh Đèo Ngang bằng ngôn ngữ thơ độc nhất vô nhị. Hơn trăm năm sau, người con ưu tú của đất Hương Sơn (Hà Tĩnh) là nhạc sĩ Vi Phong lại vẽ lên bức tranh Đèo Ngang bằng những nốt nhạc…
Đèo Ngang (Ảnh Internet)
Thơ của nữ sĩ Huyện Thanh Quan viết: “Cỏ cây chen đá, lá chen hoa”. Cái tài của bà Huyện Thanh Quan là việc kiến tạo những câu thơ hay bằng các danh từ. Danh từ: bỏ qua tất cả những rườm rà, đi thẳng vào bản chất sự việc. Vậy bản chất sự việc là gì? Câu thơ có vẻ đơn thuần chỉ là cách sắp xếp thứ tự các danh từ “cỏ cây”, “đá”, “lá” và “hoa”. Thế giới hữu sinh là “cỏ cây” đang phải chen chúc, lấn át thế giới vô sinh là “đá”. Ngay trong thế giới hữu sinh, cái thô hơn là “lá” lại chen chúc, lấn át cái tinh tế hơn là “hoa”. Cách sắp xếp danh từ như thế đã vẽ lên bức tranh không thể nào thực hơn về cảnh đẹp Đèo Ngang, phong cảnh không thắng nổi tâm cảnh, trong lòng nữ sĩ chất chứa bao nỗi niềm trắc ẩn để mùa thu trong buổi chiều tà nơi Đèo Ngang đã hoang tàn lại càng trở nên hoang tàn hơn.
Ca từ của nhạc sĩ Vi Phong viết: “cỏ cây chen đá và hoa chen lá”. Qua thời gian với bao nhiêu biến động, nhạc sĩ hôm nay đứng trên đỉnh Đèo Ngang không còn mang nặng nỗi buồn nhân tình thế thái của các thi sĩ xưa kia như Nguyễn Du, Huyện Thanh Quan. Nhạc sĩ Vi Phong đã đưa thế giới hữu sinh vượt hẳn lên trên thế giới vô sinh, cái tinh tế lấn át cái chưa tinh tế. Mùa thu, muôn thuở vẫn buồn, cảnh chiều tà trong mùa thu vẫn buồn nhưng hơn bao giờ hết đó là cái buồn đồng cảm của tâm hồn người nghệ sĩ hoài niệm về thế giới xưa cũ. Văn học đã có một kiệt tác thơ ca về Đèo Ngang nên xưa nay người ta chỉ vượt qua Đèo Ngang về địa lí chứ chưa có người thứ hai sau bà Huyện Thanh Quan vượt qua Đèo Ngang về nghệ thuật. Bởi vậy, dù âm nhạc là ngôn ngữ khác với thơ ca nhưng rõ ràng để sáng tạo nên một ca khúc hay về Đèo Ngang là cả một sự thách thức lớn. Từng câu hát trong ca khúc “Cảm xúc Đèo Ngang” của nhạc sĩ Vi Phong đã thật sự chinh phục được khán giả yêu nhạc.
Đèo Ngang (Ảnh Internet)
Mở đầu ca khúc là câu nhạc với những nốt nhạc ở âm khu thấp, chuyển động liền bậc, tiết tấu chậm, dàn trải. Câu nhạc thứ hai có nửa đầu nhắc lại toàn bộ ý đồ câu thứ nhất nhưng có phát triển hơn, tiếp đến nửa sau câu nhạc như có ý dẫn lên cao trào, kết câu tại âm chủ ở nốt đô quãng tám thứ 2 tạo cảm giác ổn định về âm nhạc mà hoài niệm về ý tứ. Với 2 câu nhạc có kết cấu như thế, người nghe lần lượt được nhạc sĩ đưa đến chân Đèo, rồi bắt đầu leo dốc, âm nhạc cứ thế vận động theo lẽ tự nhiên.
Phần cao trào cũng chỉ có đúng hai câu nhạc gần như giống nhau, câu sau nét nhạc được nhắc lại câu trước nhưng có phát triển, đưa người nghe lên đỉnh Đèo và đứng trên đó phóng tầm mắt ra xa thấy thiên nhiên hùng vĩ điệp trùng nhưng ẩn hiện sự chen chúc, thấy thân phận con người thật nhỏ bé, thấy cuộc sống và tình yêu vừa thực lại vừa mộng ảo. Trong câu nhạc có sử dụng nhiều quãng 4, quãng 5, thậm chí là quãng xa như quãng 6, quãng 8 với xu hướng đi xuống, kết hợp với ca từ đã gây hiệu quả cao, gieo vào lòng người nhiều cảm xúc và nhiều trí tưởng tượng khác nhau.
Hầm đường bộ Đèo Ngang (Ảnh Internet)
Nói tới âm nhạc của nhạc sĩ Vi Phong là nói tới các ca khúc mang âm hưởng dân gian, đặc biệt là các làn điệu dân ca Hà Tĩnh nơi sinh ra ông. “Cảm xúc Đèo Ngang” là ca khúc ca ngợi cảnh đẹp quê hương đất nước, nếu theo lẽ thông thường sẽ mang đậm chất dân ca. Nhưng ngược lại, đọc bản kí âm dễ dàng nhận thấy nhạc sĩ Vi Phong đã khai thác chất liệu dân ca miền Trung rất có chừng mực, nếu không muốn nói là gần như không tìm thấy. Ca khúc viết theo nhịp ¾, quãng âm khá rộng (gần hai quãng 8), sử dụng nhiều bước nhảy xa và tuyến giai điệu có chiều hướng đi xuống, đó là những kĩ thuật hiếm gặp trong các sáng tác mang âm hưởng dân gian. Song, với nét giai điệu đơn giản và lời ca dung dị, ca khúc dễ thuộc, dễ nhớ, dễ đi vào lòng người, làm cho người nghe có cảm giác vẫn phảng phất đâu đó làn điệu dân ca.
Phải chăng ca khúc đã có sự chuyển dịch về tư tưởng thể hiện của nhạc sĩ?
Trần Văn Phúc