Nhạc sĩ La Thăng

18/10/2013

Nhạc sĩ La Thăng

Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp (1947), chúng ta thấy xuất hiện một số bài hát của La Thăng như: Bé đeo ba lô, Thanh niên vui hát, Chiều Việt Bắc… những sáng tác đầu tay này của ông có may mắn sớm chiếm được cảm tình trong lòng quần chúng, đặc biệt trong giới thanh niên, học sinh ở Việt Bắc lúc bấy giờ. Nhưng phải nói rằng từ thập kỷ 50 trở đi, vườn hoa âm nhạc của La Thăng mới thực sự nở rộ đẹp đẽ với các bài hát: Ca mừng đời ta tươi đẹp, Cô gái hái chè, Kể chuyện khu du kích làng Nguyễn đánh giặc, Bài ca Núi Thúy, Tiếng hát trong hầm lò, Lên đường đánh Mỹ… và hàng trăm ca khúc và hợp xướng khác của ông đã được giới thiệu và phổ biến trong quần chúng, trên làn sóng của Đài tiếng nói Việt Nam và Truyền hình Việt Nam, trên sân khấu và trong báo chí, xuất bản.

Nhạc sĩ La Thăng tên thật là Nguyễn Văn Ngọ sinh ngày 06/07/1930 tại thị xã Yên Bái- Quê nội ông ở xã Đông Ngạc thuộc huyện Từ Liêm- Hà Nội, một làng quê bên sông Hồng. Trong hơn 60 năm qua, với bề dày của những năm tháng sáng tác, La Thăng đã có một số lượng tác phẩm đáng trân trọng. Ngoài gần 200 ca khúc và hợp xướng, nhạc sĩ La Thăng còn viết nhiều thể loại âm nhạc như âm nhạc cho múa, nhạc cho điện ảnh, sân khấu và các tác phẩm nhạc không lời khác như: Tổ khúc biến tấu “Quê hương” viết cho viôlông và pianô, bản Trio “Vũ khúc nông thôn” viết cho Violon + Violoncelle và pianô, bản độc tấu pianô “Niềm hi vọng”, bản Sonate “Được mùa” viết cho Flute và pianô, tác phẩm Giao hưởng thơ (Symphonie- poème) “Đất nước anh hùng” và một số bản hòa tấu khác đã được giới thiệu một phần trên làn sóng của Đài tiếng nói Việt Nam và Truyền hình Việt Nam.

Âm nhạc của La Thăng trong sáng, lạc quan và giàu chất trữ tình- phương pháp nghệ thuật của ông biểu hiện trong sự gọn gàng, khúc triết của khúc thức, sự mượt mà trau chuốt và đậm đà tính dân tộc trong giai điệu, phong phú màu sắc trong hòa thanh, phối khí- đặc điểm này không những được thể hiện trong những bài hát Hợp xướng mà cả trong các thể loại âm nhạc không lời khác của ông. Nhiều ca khúc và hợp xướng của La Thăng thường mang tính hoành tráng, trang nghiêm, ngợi ca tổ quốc, ca ngợi Đảng và Bác Hồ như trong các bản Hợp xướng: “Tự hào Tổ quốc ta”, “Ánh sao sáng mãi bầu trời”, “Hát về Pác Bó”, ca ngợi chiến thắng như Hợp xướng “Hàm Luông dòng sông chiến thắng”. Trong mấy chục năm qua, La Thăng đã đi và viết nhiều về đời sống lao động sản xuất của anh chị em công nhân trong Nhà máy, xí nghiệp, trên các công trường, hầm mỏ, ông về nông thôn, thâm nhập ruộng đồng và đã viết nên các tác phẩm đầy cảm xúc trong các chuyến đi đó, đã được quần chúng ca hát và làn sóng của Đài tiếng nói Việt Nam giới thiệu, phổ biến như các bài: “Tiếng hát trên đồng xanh”, “Ca mùa năm tấn”, “Những ký hiệu màu xanh”, “Thép ta vẫn ra lò”, “Dòng thép quê hương”. Và nhiều bài ca động viên cổ vũ thanh niên đi bộ đội lên đường chiến đấu như: “Lên đường đánh Mỹ”, “Anh đi ghi tiếp chiến công”, “Bài hát chiến sĩ xe tăng” v.v…

Có thể khiếm khuyết nếu như chúng ta không giới thiệu một mảng sáng tác của La Thăng viết cho các em thiếu nhi và lứa tuổi mới lớn. Mấy chục năm qua ông dành nhiều thời gian viết cho lứa tuổi này. Từ bài “Bé đeo ba lô” viết năm 1947 đến các bài: Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, Tổ quốc em có nhiều tên đẹp, Tình thân ái, Uống cả ông trăng, Chúng em noi gương các anh bộ đội và còn nhiều bài hát nữa đã được các em yêu mến, đón nhận và ca hát. . Nhiều bài ca trong đó đã được sống trong quần chúng và trở thành những bài ca đi cùng năm tháng. Đúng như nhạc sĩ Trần Nhật Dương của Đài tiếng nói Việt Nam đã giới thiệu trong chương trình tác phẩm tuyển chọn của nhạc sĩ La Thăng: “Vấn đề khai thác khía cạnh trữ tình trong sáng tạo làm cho âm nhạc của La Thăng dường như càng nồng đậm hơn khi ông viết về tình yêu, giống như người nghệ sĩ vẽ tranh lụa, trên nền mềm mại của chất trữ tình, La Thăng đã để lại đó những đường nét, màu sắc tạo nên những vẻ đẹp của sự hài hòa”. Có thể nói La Thăng- một nhạc sĩ say mê vẻ đẹp mềm mại của sự tổng hòa, khát khao thể hiện chất trữ tình của âm thanh.

Chúng ta trân trọng những tác phẩm của nhạc sĩ đã phục vụ cách mạng và đóng góp cho đời, hơn 60 năm qua. Những ca khúc: Ca mừng đời ta tươi đẹp, Thanh niên vui hát, Du kích làng Nguyễn đánh giặc, Cô gái hái chè, Lời ca cất cánh, Chúng em noi gương anh bộ đội, Lên đường đánh Mỹ, Bài ca núi Thúy… của nhạc sĩ La Thăng đã để lại ấn tượng trong tôi từ những năm 1955-1956 và tiếp nhiều năm tháng đó. Là một nhạc sĩ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Pháp khởi đầu từ Đoàn thiếu nhi do nhạc sĩ Lưu Hữu Phước phụ trách, sau đó La Thăng đã đi hẳn vào con đường âm nhạc chuyên nghiệp. Âm nhạc của La Thăng tràn đầy tinh thần vui tươi, lạc quan, yêu đời, vừa trữ tình, trong sáng, vừa hài hước dí dỏm, có bài hướng tới chất sử thi. Bút pháp của ông vững vàng, người ta cảm nhận được ở ông sự trăn trở, suy tư để cố gắng vươn tới những tìm tòi mới mẻ trong giai điệu, hòa thanh và cả về khúc thức như: Tự hào Tổ quốc ta, Sông thương biển nhớ, Tình yêu của biển, Biển yêu, Con sẽ về đâu, Thì thầm điều chi, Dành cho nỗi nhớ… Là một cây bút miệt mài, cần mẫn, ngoài việc sáng tác, ông còn đảm nhận nhiệm vụ quản lý Nhà xuất bản Văn hóa, rồi Cục trưởng Cục Xuất bản (Bộ Văn hóa). Trách nhiệm nặng nề đó đã chiếm nhiều thời gian, tâm sức của ông, nhưng ông vẫn luôn viết đều, viết nhiều ở mọi thể loại: từ ca khúc đến hợp xướng, từ nhạc múa đến nhạc phim, từ bài hát trẻ em đến những tác phẩm viết cho dàn nhạc dân tộc, giao hưởng, từ tiểu phẩm đến xônát… Với một số tác phẩm tiêu biểu trong hàng trăm tác phẩm của ông, tập Tuyển chọn ca khúc La Thăng đã đem đến cho các bạn một tình cảm chân thành, đẹp đẽ, góp với đời sống âm nhạc một tiếng nói riêng. Chúng ta tin rằng, những tác phẩm của La Thăng sẽ được sự đón nhận nhiệt tình của các bạn yêu nhạc gần xa. (Nhạc sĩ La Thăng âm nhạc và cuộc đời)

(Nguồn: http://baicadicungnamthang.net)

Tin liên quan

08/03/2021
Nhạc sĩ Thanh Tùng - tác giả của hàng loạt ca khúc nhạc trẻ từng làm mê đắm bao thế hệ rời cõi tạm vào ngày 15/3/2016 (nhằm mồng 9 tháng 2 âm lịch). Mặc dù, người nhạc sĩ tài ...