Nghĩ về nhạc sĩ Văn Cao và bài hát Mùa xuân đầu tiên
Quốc hội truy tặng nhạc sĩ Văn Cao Huân chương Hồ Chí Minh. Cái gì của César thì phải trả cho César thôi!
Tiến Quân ca là bài Quốc ca tôi cho là nằm trong số Quốc ca hay nhất trên thế giới.
Tôi từng được nghe kể có lần Văn Cao cùng vài người bạn uống rượu trên quán vỉa hè. Khi ông già gầy gò lững thững bước đi, bà bán hàng hỏi ông này là ông nào. Một người bảo ông này là tác giả bài hát mà khi cất lên đến Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng phải đứng nghiêm!
Bây giờ tôi muốn viết về bài hát Mùa Xuân đầu tiên của Văn Cao.
Đó là một bài hát đặc biệt. Nó được viết bởi một nhạc sĩ đặc biệt, vào một thời điểm đặc biệt và có một số phận cũng khá đặc biệt.
Văn Cao viết ca khúc Mùa Xuân đầu tiên vào mùa Đông năm 1976, nó ít được biết đến gần 20 năm, cho đến khi ông đã qua đời.
Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về
Mùa bình thường mùa vui nay đã về
Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên
Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông
Một trưa nắng cho bao tâm hồn.
Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về
Người mẹ nhìn đàn con nay đã về
Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên
Nước mắt trên vai anh, giọt sưởi ấm đôi vai anh
Niềm vui phút giây như đang long lanh.
Ôi giờ phút yêu quê hương làm sao trong xuân vui đầu tiên.
Ôi giờ phút trong tay anh đầu tiên một cuộc đời êm ấm.
Từ đây người biết quê người
Từ đây người biết thương người
Từ đây người biết yêu người .
Giờ dặt dìu mùa xuân theo én về
Mùa bình thường, mùa vui nay đã về.
Mùa xuân mơ ước ấy xưa có về đâu
Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông
Một trưa nắng thôi hôm nay mênh mông.
Rất nhiều người, nếu không muốn nói là tất cả chúng ta, thích bài hát này. Điệu valse sang trọng quý phái, giai điệu dễ hát đến bất ngờ và ca từ đặc biệt giản dị, gần gũi.
Khi vui, lúc buồn ta đều muốn nghe ca khúc này. Nghe một mình. Như để gột sạch tâm hồn nhuộm đầy bụi trần của ta. Vì sao lại thế?
Tôi xin không lặp lại việc phân tích bình luận ca từ như một bài thơ. Nhiều người đã viết rồi.
Tôi muốn thấy một Văn Cao như ông từng là. Một tượng đài của Tình yêu Tổ quốc và Lòng Cao thượng.
Phải nói thẳng là Văn Cao từng bị vùi dập, đầy đọa. Tác giả Tiến Quân ca bị cấm sáng tác. Không gì cay đắng hơn khi một nghệ sĩ bị cấm sáng tác. Tôi nhớ hồi nhỏ thỉnh thoảng thấy có ký họa Văn Cao trên báo Văn nghệ, chắc là một cách mà bạn bè giúp để ông có thu nhập.
Vậy thì ông buồn, khổ, hận là lẽ đương nhiên. Ai đó phân tích, tìm thấy những cái đó trong Mùa Xuân đầu tiên là không sai.
Nhưng Văn Cao là một nhân cách lớn, ông cao hơn hẳn người bình thường rất nhiều. Ông không đau buồn cá nhân, không một chút oán hận.
Ông thấy niềm vui sum họp sau mấy chục năm chia cắt:
Nước mắt trên vai anh, giọt sưởi ấm đôi vai anh
Niềm vui phút giây như đang long lanh.
Trên tất cả là tình yêu quê đất nước:
Ôi giờ phút yêu quê hương làm sao trong xuân vui đầu tiên.
Ôi giờ phút trong tay anh đầu tiên một cuộc đời êm ấm.
Và linh cảm của người nghệ sĩ thiên tài là nhìn thấy trong tương lai sự bình yên của đời sống con người mới là điều quan trọng nhất:
Mùa bình thường, mùa vui nay đã về
Mùa xuân mơ ước ấy xưa có về đâu
Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông
Một trưa nắng thôi hôm nay mênh mông.
Mùa vui chiến thắng huy hoàng, mùa vui bất tận thế mà ông coi là "mùa bình thường".
Nhiều người (lãnh đạo) từng khó chịu việc này.
Logic của Văn Cao lại khác. Dân tộc Việt Nam đã đi từ cái Bất thường sang cái Bình thường rồi. Đó mới là điều đáng mừng nhất?
Trái tim Văn Cao đủ lớn cho cho Nhẫn, Thiện, Tâm. Nhưng không có chỗ cho sự thù hằn cá nhân.
Ông đặt nỗi đau riêng của mình trong nỗi đau chung của dân tộc. Ông coi tai họa của mình chỉ là một phần rất nhỏ trong tai họa của nhân dân.
Đó mới đúng là Văn Cao.
Hiểu ông khác đi, chỉ nhìn thấy phần buồn tủi trong Mùa Xuân đầu tiên là chưa hiểu ông, là hạ thấp ông.
Trước một tòa kiến trúc nguy nga, ta phải lùi ra xa một khoảng cách đủ để thấy hết quy mô tầm cỡ và vẻ đẹp hùng tráng của nó.
Ta phải đủ nhỏ bé để thấy ngợp trước ông. Điều đó làm ta thích thú.
Và phải đủ tầm để hiểu Văn Cao. Điều đó làm ta hạnh phúc.