Thơ phổ nhạc hay nhạc phổ thơ?

20/06/2019

Thơ phổ nhạc hay nhạc phổ thơ? Đây là đề tài được một số anh em nhạc sĩ Thành phố HCM bàn luận  sôi nổi trên mạng xã hội gần đây, cũng là một dẫn nhập cho vui thôi, nhưng về  xét mặt học thuật cũng đưa ra cho có luận thuyết chuyên môn nào thuyết phục? Nếu xét theo  từ pháp thì chữ phổ (phả) là từ Hán Nôm có rất nhiều ý nghĩa. Theo Từ điển Thiều Chửu thì từ Phả là sổ chép về nhân vật và chia rành thứ tự. Như gia phổ phả chép thế thứ trong nhà họ.

Hoặc Niên phổ (phả) chép các người cùng tuổi hay cùng đỗ một khoa. Người cùng họ gọi là đồng phổ. Vì thế nên anh em kết nghĩa cũng gọi là phổ huynh đệ.

Ngoài ra từ phổ cũng có nghĩa là chỉ bản nhạc, khúc hát, như “nhạc phổ”  khúc nhạc, “bối phổ”  bài nhạc thuộc lòng.

Vì thế nên khúc hát gọi là phổ, ta quen đọc là phả. Nếu vậy phổ nhạc, phổ thơ là một động từ. Tuy nhiên khi nói: thơ phổ nhạc, là nói vắn tắt, bài thơ được phổ thành nhạc. Theo tự điển Wikipedia thì phổ nhạc là nghệ thuật dựa theo lời và ý của bài thơ mà viết thành bài nhạc.

Trên một diễn đàn văn nghệ, tác giả Lê Hữu cho rằng “nhạc phổ thơ” là nói về một bài nhạc có xuất xứ là một bài thơ. Nói “thơ phổ nhạc” là nói về một bài thơ được phổ nhạc. Theo tôi, nói “nhạc phổ thơ” thì đúng hơn và rõ nghĩa hơn là nói “thơ phổ nhạc”, nhất là khi nói chuyện về một đề tài âm nhạc. Lấy ví dụ, nói “Chiều là bài nhạc phổ thơ của Dương Thiệu Tước” thì chính xác hơn là nói “Chiều là bài thơ phổ nhạc của Dương Thiệu Tước”. Cách nói sau có thể gây ngộ nhận rằng tác giả bài thơ Chiều là Dương Thiệu Tước (trong lúc bài thơ tên là Màu cây trong khói của Hồ Dzếnh, được nhạc sĩ Dương Thiệu Tước phổ nhạc thành bài nhạc Chiều), tuy vậy cũng có ý kiến cho rằng nói nhạc phổ thơ là vô nghĩa mà thơ phổ nhạc mới hợp lý?

Từ xưa, cách nói “thơ phổ nhạc” đã trở thành thói quen nên khi nghe vậy thì ta tự động hiểu là… “nhạc phổ thơ”.

Về sau này người ta có những cách nói văn vẻ hơn để nói về “thơ phổ nhạc”, chẳng hạn “Áo lụa Hà Đông, thơ Nguyên Sa, nhạc sĩ Ngô Thụy Miên phổ thành ca khúc”. Về cách ghi trình bày trên một nhạc phẩm thì đa số thấy ghi tên nhà thơ trước sau đó là nhạc sĩ phổ nhạc, thi thoảng mới có trường hợp ngược lại.

Cũng có những trường hợp là hợp soạn giữa hai người mà người yêu nhạc tưởng là phổ thơ, thật ra là người viết nhạc, người viết lời như trường hợp bài Tình khúc thứ nhất của Vũ Thành An, ông sáng tác năm 1964 viết xong giai điệu nhưng ngày đó ông không có khiếu viết lời nên nhờ nhà thơ Nguyễn Đình Toàn viết dùm mà trở thành một bản nhạc hay, hoặc bài Lệ đá của Trần Trịnh thì do Hà Huyền Chi viết lời (tất nhiên các trường hợp nầy người viết lời cũng phải biết nhạc lí để viết cho phù hợp).

Trong âm nhạc Việt Nam rất nhiều bài thơ được phổ nhạc thành công như: Nụ hoa vàng ngày xuân nguyên tác là thơ của Kim Tuấn, được Nguyễn Hiền phổ thành bài Anh cho em mùa xuân.

Cuối cùng cho một tình yêu, Trịnh Công Sơn phổ nhạc từ thơ của Trịnh Cung.

Chiều, thơ Hồ Dzếnh, Dương Thiệu Tước soạn nhạc, nhưng thành công và điêu luyện nhất phải kể đến Phạm Duy và Phạm Đình Chương.

Phạm Đình Chương phổ nhạc một số tác phẩm có tiếng như Đôi mắt người Sơn Tây, thơ của Quang Dũng; Nửa hồn thương đauĐêm màu hồng (thơ Thanh Tâm Tuyền), Màu kỷ niệm (thơ Nguyên Sa), Mộng dưới hoa (thơ Đinh Hùng), Người đi qua đời tôi (thơ Trần Dạ Từ)…

Phạm Duy thì có những bài như Thiên thai thơ Thế Lữ, Tiếng thu, Hoa rụng ven sông thơ Lưu Trọng Lư, Ngậm ngùi (thơ Huy Cận); Mộ khúc (thơ Xuân Diệu), Đưa em tìm động hoa vàng, Ngày xưa Hoàng Thị (thơ Phạm Thiên Thư), Bên ni bên nớ Mùa thu Paris (thơ Cung Trầm), Tưởng Đừng bỏ em một mìnhKiếp nào có yêu nhau (thơ Minh Đức Hoài Trinh), Còn chút gì để nhớ (thơ Vũ Hữu Định)…

Khúc Thụy Du của Anh Bằng phổ từ thơ Du Tử Lê; Anh còn nợ em phổ từ thơ Phan Thành Tài; Trăng sáng vườn chè, thơ Nguyễn Bính, nhạc của Văn Phụng..vv…

Theo nhà văn Đặng Tiến: “Riêng về công trình phổ nhạc thơ, thì Phạm Duy đã có những đóng góp lớn lao. Là đã đưa nhiều bài thơ hay về nghệ thuật, hoặc có giá trị nhân chứng, đến với quần chúng đông đảo. Và, mặt khác, đã ghi lại nhiều nét trong quá trình phát triển nền thi ca Việt Nam già nửa thế kỷ. Nhạc Phạm Duy là một mảng ký ức văn học”.

Có thể nói Phạm Đình Chương là một trong những nhạc sĩ phổ thơ hay nhất. Nhiều bản nhạc phổ thơ của ông đã trở thành những bài hát bất hủ, có một sức sống riêng. Phạm Đình Chương cũng đóng góp cho tân nhạc Việt Nam một bản trường ca bất hủ Hội trùng dương viết về ba con sông đại diện cho ba miền: sông Hồng, sông Hương và sông Cửu Long.

Sau 1975 có một số bài hát phổ thơ rất thành công, rất hay của các nhạc sĩ nổi tiếng như nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu với Thuyền và biển, Thư tình cuối mùa thu (thơ Xuân Quỳnh), Ở hai đầu nỗi nhớ (thơ Trần Hoài Thu) , Anh ở đầu sông em cuối sông (thơ Hoài Vũ), Sợi nhớ sợi thương (thơ Thúy Bắc)…

Nhạc sĩ Hoàng Hiệp với những bài hát hay mượt mà như Em vẫn đợi anh về (thơ Lê Giang), Con đường có lá me bay, Mùa chim én bay (thơ Diệp Minh Tuyền), Đánh mất (thơ Thanh Nguyên)…

Nhạc sĩ Phú Quang với những tình khúc nhẹ nhàng như Em ơi! Hà Nội phố (thơ Phan Vũ), Nỗi nhớ mùa đông(thơ Thảo Phương), Đâu phải bởi mùa thu (thơ Giáng Vân).

Vũ Hoàng với bài Hương thầm (thơ Phan Thị Thanh Nhàn); Quê hương của Giáp Văn Thạch phổ thơ Đỗ Trung Quân; Mùa xuân bên cửa sổ của Xuân Hồng phổ thơ Song Hảo..vv..

Tóm lại, thơ phổ nhạc hay nhạc phổ thơ cũng chỉ là cách gọi vì nó chưa có quy chuẩn nào bắt buộc,mà chúng ta chỉ quen dùng theo thông lệ, mang tích chất tương đối thôi, như vậy sẽ hiểu đó là một cách chuyển một nội dung bài thơ hay một phần nội dung  bài thơ thành một bài hát hoàn chỉnh thế thôi nhưng gọi thơ phổ  nhạc (bài thơ chuyển thành nhạc) thì nghe hợp lý hơn cụm từ nhạc phổ thơ? (nhạc ra thơ hay bài nhạc phổ từ thơ?) nhưng người ta vẫn hiểu vì quen thuộc mà tiếng Việt mình thì cũng chưa chuẩn lắm? Như ta nói: Đi khám bệnh, đi khám bác sĩ là cách nói ngược, thật ra là đi cho bác sĩ khám bệnh chớ có ai khám bác sĩ bao giờ?

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...