Quốc tế ca, quốc ca, quốc dân ca...

18/08/2015

“Bài hát về Tổ quốc” là bài hát ra đời dành cho phim kinh điển “Xiếc” do thi sỹ Lebedev-Kumach và nhạc sỹ Isaak Dunaevskiy viết nên. Nó nhanh chóng trở thành biểu tượng âm nhạc cho một Liên bang Xô viết thời Xtalin, và từ 1939 đó là nhạc hiệu radio của CCCP (cho đến nay ở Nga vẫn thế!):

Xtalin đã rất yêu thích bài hát này, khi “Luật Xtalin” ra đời năm 1936 ông đã yêu cầu viết thêm hẳn một lời cho bài hát nói về sự kiện đó. Hát hay nhất là nam ca sỹ Muslim Magomaev:

Bài ca hùng tráng ca ngợi đất nước CCCP này rất nhiều người dân Xô Viết cũng coi như nó là quốc ca của Tổ quốc mình, còn người nước ngoài có lẽ biết về nó nhiều hơn quốc ca Liên Xô. Trong đó nổi tiếng nhất là lời một mà dù cho đến bây giờ thì người Nga nào cũng đều biết:

“Широка страна моя родная,
Много в ней лесов, полей и рек!
Я другой такой страны не знаю,
Где так вольно дышит человек”.

Tạm dịch:

“Đất nước thân yêu dài rộng vô cùng
Có thật nhiều đồng ruộng, sông ngòi và những cánh rừng
Tôi không biết đất nước nào khác nữa
Nơi con người có thể hít thở tự do như vậy...”

Nhưng bài hát vĩ đại này chưa thay được quốc ca Liên Xô thời đó, đơn giản là CCCP đang dùng một giai điệu vĩ đại khác, viết lời Nga để làm quốc ca: bài “Quốc tế ca” (Đó cũng là phong cách thường thấy-trước Cách mạng tháng Mười Sa hoàng đã dùng nhạc của bài “La Marseillaise” của cách mạng Pháp!). Do đó dù “Bài ca về Tổ quốc” đã ngay lập tức đi vào lòng người, thì Xtalin còn đang lưỡng lự...

Năm 1941 khi chiến tranh Vệ quốc bắt đầu thì nước Anh với Chirchill đứng đầu lập tức tuyên bố ủng hộ CCCP, và đài BBC khi đó dễ hiểu là không muốn chơi bản quốc ca “Quốc tế ca”, nên đã dùng chính bài “Bài ca về Tổ quốc” như quốc ca CCCP.

Đến năm 1943 thì “Comintern” tan rã, chả còn cách mạng vô sản toàn thế giới nào nữa, và Liên Xô đang chuyển sang thời phản công mạnh mẽ trên mặ trận chống Đức phát xít, uy thế của đất nước đang tăng lên, Xtalin quyết định phải chọn một quốc ca quốc ca mới thật hoành tráng cho Liên Xô, ngay đến bài “Bài ca về Tổ quốc” vẫn còn được coi là chưa đủ hùng tráng. Đích thân Xtalin chọn nhạc, đó là nhạc bài hát “Bài ca của đang những người bôn-sê-vích” với tác giả Alexandr Alexandrov, viết năm 1939. Sau này hàng chục năm sẽ nảy sinh tranh cãi rằng nhạc của bài hát này được lấy dựa theo tác phẩm của một nhạc sỹ cổ điển, nhưng lúc đó thì chuyện này chưa quan trọng, chỉ có chi tiết rằng Xtalin là người rất sành nhạc, bắt Alexandrov phải tự chỉ huy dàn nhạc chứ không được nhờ người khác! Còn lời thì Xtalin chọn phương án của 2 tác giả Mikhalkov và El-Registan. 2 tác giả được lính đưa vào điện Kremlin, Xtalin chìa cho lời bài hát đã có ghi chú những ý kiến cá nhân của mình, và ngay trong ngày lời phải sửa để đúng ý lãnh tụ cũng như hợp với nhạc của Alexandrov. Và thế là 01/1/2014 lần đầu tiên quốc ca Liên Xô mới được phát qua radio (đang là khi mà “cả thế giới phải ngước nhìn” về Matxcơva), phải nói là giai điệu cũng rất hay và hùng tráng, bài hát này xứng đáng là quốc ca của 1/6 địa cầu:

Tại đại hội đảng Liên Xô năm 1956 chủ nghĩa cá nhân của Xtalin bị hậu thế đả phá kịch liệt. Tổng bí thư mới Khrusev cấm luôn lời của bài quốc ca, thế nên bắt đầu từ đó quốc ca CCCP chỉ có nhạc, không hát lời (và nó được gọi như thế-“Bài hát không có lời”)! Trong suốt những năm đó thì “Bài ca về Tổ quốc” vẫn luôn được nhân dân yêu mến, và được hát trong mọi dịp trọng thể:

Rinat Ibragimov hát cùng dàn nhạc quân đội:

Trong khi đó ở một đất nước dân chủ-cộng hòa xa xôi kia mọi sự liên quan đến Khrusev và chủ nghĩa “xét lại”tại Liên Xô lại bị phê phán, đả phá và cấm cản. Không dám khẳng định, nhưng có thể đất nước tỷ dân-“anh hai” của chúng ta- cũng chẳng muốn dân miền Bắc Việt Nam lúc đó hát bài ca nào ca ngợi đất nước Liên Xô vĩ đại?! Tôi được người nhà dạy hát bài này bằng tiếng Nga năm 70, lúc còn chưa biết chữ, nhưng đã biết rằng nó là một trong những bài hát mà người lớn thì lại không được hát! Và phải nói là cho đến khi sau này đi học, được học và thuộc hàng chục bài tiếng Nga được dạy ở Việt Nam, tôi cũng chưa bao giờ được chính thức học nó. Ở Nga có viện bảo tàng các bài quốc ca, và “Bài ca về Tổ quốc” được lưu trữ tại đấy, bằng 15 thứ tiếng khác nhau. Chúng ta không có lời Việt, không bao giờ hát “Bài ca về Tổ quốc”-đừng nói với tôi đó là chuyện ngẫu nhiên, là bài hát Liên Xô hay nhất, nổi tiếng nhất, lâu đời nhất...lại đơn giản không có ai dịch ra tiếng Việt, trong khi đại đa số lớp lãnh đạo ngày nay đi học Liên Xô về. Cho đến tận hôm nay...

Năm 1977 CCCP có hiến pháp mới, Breznev cho quốc ca lời hát mới, miễn là bỏ hết những gì dính dáng đến Xtalin...và việc sửa lời lại được giao cho tác giả cũ Mikhalkov. Lịch sử luôn đưa đến những bất ngờ không lường trước, năm 1990 Liên Xô tan rã (ai có thể ngờ được chuyện đó từ năm 1977), nước Nga xuất hiện lại không có quốc ca! Một ủy ban quốc gia được thành lập chóng váng để giải quyết vấn đè này, và họ đã đề cử một giai điệu được gọi là “Bài ca yêu nước” của tác giả cổ điển Glinka viết năm 1833, bị thất lạc cho đến 1895 và chỉ được công diễn lần đầu năm 1944! Và giai điệu rất đẹp này lại...không có lời (nhiều tác giả muốn phủ lời lên nó, nhưng đều thất bại!), có đến 6000 lời hát được sáng tác nhưng đều chưa đạt:

Thời đại của tổng thống Yeltsin quả là không gặp may với lời của quốc ca, nhưng thời đó một số quốc gia cũng chỉ có nhạc, không có lời quốc ca, như Tây Ban Nha, Bạch Nga, Bosnia-Herxegovina...Nhưng “bài ca về Tổ quốc” vẫn được từ già đến trẻ hát trong mọi dịp lễ hội, phải nói là về tính hào sảng chả có bài hát yêu nước nào sánh được:

Khi Vladimir Putin lên cầm quyền thì các tuyển thủ đội tuyển bóng đá Nga than vãn với ông rằng vì quốc ca không có lời nên trước mỗi trận đấu họ không thể tập trung hay cổ vũ tinh thần của nhau qua lời hát được, do đó thành tích khá kém cỏi. Chỉ cần có thế Putin đưa vấn đề ra quốc hội, và chẳng bao lâu sau nhạc cũ của quốc ca CCCP lại được công nhận là nhạc của quốc ca nước Nga mới! Lời cũng được viết lại, vẫn lại do tác giả Mikhalkov nay đã rất già viết...Phải nói rằng lời mới có nhiều đoạn nói về Chúa Trời, nhà thờ...và rất không được lòng các đảng phái khác tại Nga, nhất là trong suốt từng ấy năm luôn có những đề nghị dùng “Bài ca về Tổ quốc” làm quốc ca chính thức cho đất nước! Và người phản đối mạnh mẽ nhất chính là cựu tổng thống Boris Yeltsin, người mà luôn luôn đứng sau ủng hộ cho sự lựa chọn Putin của mình! Lý do của ông cho lần duy nhất phản đối Putin này cũng như rất đông đảo chính khách và nhân dân Nga: nhạc cũ rất hay nhưng gợi nhớ lại biết bao những sự kiện đen tối dưới thời Xô Viết, nhất là khi liên quan đến Xtalin. Lực lượng ủng hộ nhất thì dễ hiểu: Đảng cộng sản Nga! Mặc kệ, Putin không thay đổi chính kiến, quốc ca Nga mới đã nổi lên ngày 01/01/2001...

Quốc ca Nga do các ca sỹ hàng đầu trình diễn:

Năm 2004 khi quốc ca Nga vang lên trên sân vận động thì một số cầu thủ bóng đá đội tuyển Nga thản nhiên nhai kẹo cao su, cơ bản là họ chả thuộc lời! Putin lập tức cảnh cáo Chủ tịch Ủy ban Olipic Nga, rằng ông muốn thấy các vận động viên Nga hát quốc ca, chứ không đứng nhai kẹo, trong mọi giải đấu! Và từ đó các vận động viên nhắc nhau học thuộc, hát quốc ca chứ không là “phiền” ngay. Ngày nay trên các sân vận động khi cử quốc ca Nga trong số vận động viên ít ai dám nhai kẹo:

Nhiều năm quốc ca Nga cũng được hát theo phong thái Acapella, thậm chí chỉ do một người biểu diễn (giống Mỹ): Angelika Yutt hát rất hay:

(ai muốn nghe rõ lời thì sẽ rất tiện)

Là người khôi phục lại bài quốc ca này, phải nói là Putin rất tâm đắc với nó, và nó gây cho ông những xúc động thực sự. Năm 2014 tại Mông Cổ Putin đã chảy nước mắt khi nghe quốc ca: https://www.youtube.com/watch?v=lsHrRj6fLKo

Có lần Putin không kịp lên đến lễ đài thì quốc ca đã được cử, mà theo quy định của hiến pháp thì mọi công dân Nga phải đứng nghiêm, đàn ông bỏ mũ, mắt hướng lên ngọn cờ nếu được kéo lên...Hãy xem phản xạ tức thì của cựu sỹ quan KGB này: 

Suốt những năm qua lời ca “Bài ca về Tổ quốc” vẫn vang lên đều đặn trong mọi dịp lễ hội lớn bé của Nga, người ta vẫn thuộc nó hơn nhiều lời ca mới của quốc ca, mặc dù nó không là quốc ca chính thức, có thể tạm gọi là “quốc dân ca” của Nga thì đúng hơn. Người ta vẫn hay cười diễu- kể cả dân Nga nữa- câu hát “Tôi không biết đất nước nào khác, nơi con người có thể hít thở tự do như vậy!” nhưng khi nghe các ca sỹ trẻ của Nga hát nó, không thể không cảm nhận niềm tự hào thực sự của người Nga đối với Tổ quốc bao la của mình:

Xin nghe lại cả quốc ca Nga mới:

Năm 2007 tại đám tang cựu tổng thống Yeltsin mặc cho gia đình phản đối, trớ trêu thay Nhà nước đã để ban nhạc chơi đúng phương án quốc ca mà lúc sinh thời Yeltsin đã có công lớn nhất để loại ra khỏi đời sống chính trị của đất nước! Thật bất công đối với một “khai quốc công thần” như ông! Nhưng theo tôi, dù Putin có tham quyền cố vị đến đâu, thì quyết định vận mệnh nước Nga vẫn sẽ là thế hệ trẻ hôm nay, thế hệ mà đang hát cả quốc ca lẫn “Bài ca về Tổ quốc”. Tự nhiên tôi nhớ đến hai câu nói của các vĩ nhân về âm nhạc: “Những bài hát hay nhất sinh ra trong tâm hồn ngập tràn yêu thương...Người ta có thể tiêu diệt người nghệ sỹ bằng bất cứ cách gì, nhưng để tiêu diệt một giai điệu thì chỉ có cách dùng giai điệu khác mà thôi...”. Mỗi bài hát đều có một số phận riêng, và tôi có linh cảm rằng “Bài ca về Tổ quốc” vĩ đại mà tôi được học hát từ khi còn chưa biết chữ chẳng bao lâu nữa sẽ trở thành bài hát chính thức ở đất nước Nga xa xôi...

“Bài ca về Tổ quốc” mới đây, 09/5/2015 quảng trường Đỏ:

P.S. Tôi cũng xin dừng viết về những “giai điệu bị cấm”-những bài hát tôi may mắn được học từ tấm bé và rất yêu quý chúng! Những câu hỏi “tại sao cấm”, “lý do gì cấm”, “danh sách đâu” của nhiều bạn làm tôi không trả lời được, nhất là khi đó còn quá bé. Cả một thời kỳ “ông Liên Xô, bà Trung Quốc” và “Kính thưa quan viên hai họ-Kính thưa cái lọ độc bình-Kính thưa cụ Hồ Chí Minh-Kính thưa ông Khơ rút xốp...” đã ảnh hưởng rất nhiều đến lịch sử cận đại đất nước mình, và âm nhạc hoàn toàn không phải là ngoại lệ! Đừng tin ngay, nếu có ai đó nói rằng âm nhạc không có biên giới...

Tin liên quan

23/02/2021
Ca ngợi Hồ Chủ tịch là một trong những bài hát hay nhất về lãnh tụ Hồ Chí Minh của cố nhạc sĩ Văn Cao, cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam. Giai điệu ca khúc hào sảng, sang trọng toát lên thần thái vĩ đại của lãnh ...
23/02/2021
“Việc ra mắt tác phẩm “Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong, Tác phẩm-tác giả” chính là dịp chúng ta Trả lại tên cho Ông. Bởi cho đến nay vẫn nhiều người vẫn không biết nhà soạn kịch Nguyễn Trung Phong chính là tác giả của giai điệu nổi tiếng Giận ...
23/02/2021
Ca khúc Hành khúc Tổng cục Chính trị được nhạc sĩ Đức Trịnh viết vào năm 2014, đúng dịp kỉ niệm 70 năm ngày truyền thống Tổng cục Chính trị (TCCT). Ca khúc này đã được chọn làm ca khúc chính thức của TCCT và được biểu diễn trong Lễ kỉ niệm ...
21/02/2021
Hai ca khúc “Đại thi hào Nguyễn Du” và "Phiêu bồng trần gian" mở đầu và kết lại bộ phim được đầu tư 15 tỷ đồng, nhân dịp kỷ niệm 255 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của vị danh nhân văn hóa này.