Nhiều nhận ra từ cuốn sách kỷ niệm

21/02/2021

Là cuốn sách quà tặng cho một đợt kỷ niệm trọng thể. Nhưng xa, rộng hơn ý nghĩa kỷ niệm, hồi cố, nó gợi nhắc đến việc soi chiếu và định hình sắc nét hơn những đóng góp cho xã hội từ dòng chảy thơ, nhạc trên cánh sóng, từ bàn tay những con người tỏa lan làn sóng phát thanh của đất nước. 

Đúng nghĩa là món quà tặng văn hóa giàu cảm xúc và mang dấu ấn truyền thống khi cuốn sách “Đài Tiếng nói Việt Nam - Thơ & Nhạc” góp mặt với dịp kỷ niệm 75 năm của đài vừa rồi. Nhóm tuyển chọn Trần Nhật Dương, Trần Nhật Minh, Vũ Mạnh Cường, Đỗ Anh Vũ, Vũ Anh Thư, Cát Hoàng Anh đã sưu tầm, tuyển chọn trong số lượng lớn hơn nhiều để cùng với NXB Văn học ấn hành tập sách với 66 bài thơ, 88 ca khúc của “người nhà đài”.

Đó là hàng trăm nhạc sĩ, nhà thơ, nhà báo và nhiều tác giả khác, công tác ở các vai trò cán bộ, biên tập viên, phóng viên, kỹ thuật viên, nghệ sĩ, nhân viên, những người ở nhiều địa bàn, trong nhiều thời điểm, đã góp phần vào sự lan tỏa cánh sóng Tiếng nói Việt Nam từ 75 năm trước đến những ngày tháng này.

“Đọc ngược” từ mục lục và phụ lục cuốn sách, nhận rõ thêm một đội ngũ đông đảo và mạnh mẽ đã đi qua những năm tháng công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam để đóng góp vào thành quả chung vào những tháng năm chiến đấu, chiến thắng, dựng xây của đất nước. Điều cần nhấn mạnh, là không gian công tác và đóng góp của những con người ấy, không chỉ ở trụ sở và một số địa chỉ đơn vị của nhà đài tại Thủ đô - những “địa chỉ đỏ” lưu giữ nhiều hoài bão, kỷ niệm của nhiều thế hệ, mà còn ở nhiều nơi trên chiến trường, trong tư thế tác nghiệp của những nhà báo - văn nghệ sĩ - chiến sĩ.

*

Nhìn vào “kho” ca khúc dồi dào với rất nhiều ca khúc nổi tiếng đã đi cùng năm tháng, nhận thấy sự kỳ ngộ đẹp đẽ đã đến cùng các nhạc sĩ và nhà đài - đơn vị công tác của họ suốt thời gian dài hoặc có thể là một trong những nơi dừng chân trên đường đời, nhưng đã thành dấu ấn sâu đậm. Bởi thế, chính các điều kiện tác nghiệp, cánh sóng phát thanh đã góp phần vào sự ra đời các ca khúc và đưa giai điệu, lời ca thắm thiết bay xa cùng đất nước. Và ngược lại, những nhạc phẩm và tác giả ấy đã góp thêm uy tín, sự danh giá cho Đài Tiếng nói Việt Nam qua từng thập kỷ.

Người xem sẽ cảm nhận ngay điều này khi thấy những cặp tên bài hát - nhạc sĩ, gồm cả các bài phổ thơ, như: “Bộ đội về làng” - Lê Yên, “Ca ngợi Tổ quốc” - Hồ Bắc, “Như có Bác trong ngày vui đại thắng” - Phạm Tuyên, “Đất nước trọn niềm vui” - Hoàng Hà, “Hà Nội niềm tin và hy vọng” - Phan Nhân, “Người Mèo ơn Đảng” - Thanh Phúc, “Người lái đò trên sông Pô Cô” - Cầm Phong, “Kỷ niệm mối tình đầu” - Vũ Hùng, “Huế - Tình yêu của tôi” - Trương Tuyết Mai, “Lời tỏ tình của mùa xuân” - Thanh Tùng, “Hà Nội đêm trở gió” - Trọng Đài, “Em là mầm non của Đảng” - Mộng Lân, “Nơi đảo xa” - Thế Song, “Khúc tráng ca biển” - Vũ Thiết…, và rất nhiều bài ca gieo cảm hứng khác cho công chúng cả nước với đủ các cung bậc hào hùng, sôi nổi, lạc quan, thiết tha trìu mến…

Sự quy tụ mang tính chất điểm danh này, trong khuôn khổ một ấn phẩm kỷ niệm, có lẽ còn là ý tưởng gợi mở cho việc xây dựng một cuốn sách, hay bộ sách khác, dày dặn, về chính các nhạc sĩ và ca khúc đó. Ở đó, sẽ có chiều sâu về tư liệu, hình ảnh, hồi ức, để kể về sự ra đời những bài hát đồng hành với đất nước theo bước chân các “tác giả nhà đài”, theo những cánh sóng, để trở thành kỷ niệm chung của đông đảo thính giả các vùng miền.

*

66 bài thơ, là những nét nghĩ thân tình, gần gũi của các tác giả Đài tiếng nói Việt Nam hướng về đất Mẹ yêu thương, những phần đất nước vững vàng trổ hoa bén rễ qua gian lao, những miền đất tươi đẹp và bền bỉ trong cần lao để khởi sắc. Dồi dào hơn cả là những tình thương mến dành để nâng niu những con người và giá trị thiêng liêng gắn bó quanh mình, là mẹ, là quê, là con cái, cửa nhà và nhịp sống đời thường nhiều buồn vui, thấm thía.

Nếu các khúc ca được viết nên bởi các nhạc sĩ, vốn chuyên chú sâu hơn vào công tác sáng tác nhạc phẩm, biên tập các chương trình âm nhạc, thì tác giả thơ lại rất phong phú về thành phần, nhiệm vụ. Ngoài những gương mặt qua thời gian đã định danh trong dòng chảy thơ đất nước, như: Tạ Hữu Yên, Thanh Thảo, Vũ Quần Phương, Trần Đăng Khoa, Trúc Thông, Lê Đình Cánh, Đỗ Trung Lai, Trương Hữu Lợi, Đỗ Nam Cao…, còn là đa dạng những nhà văn, nhà thơ, nhà báo, tác giả khác hoạt động trong đa loại hình báo chí của Đài Tiếng nói Việt Nam hôm nay, gồm cả truyền hình, báo in, báo điện tử… Càng thấy những ý thơ, những nỗi niềm muốn “phát sóng” thành thơ là thường trực hay vốn có trong nhiều con người nhà đài, nhất là khi công tác trong các chuyên mục văn hóa, văn học nghệ thuật.

Xen trong những hình ảnh và ngôn ngữ mộc mạc ở phần thơ này, hiện lên nhiều những liên tưởng lấp lánh. Bài thơ “Nụ cười của mẹ” (tác giả Trần Nam Bình), lấy điểm nhấn là hạnh phúc bình dị nhưng cái nền của nó là cả nỗi xa xót chiến tranh, khi ở điểm đầu - ngày đi, nước mắt là thứ mẹ mang theo, đến điểm cuối - ngày đoàn tụ, là nụ cười trong vỡ òa thổn thức. Bài thơ “Lạc rừng” của nhà thơ Vũ Ân Thy, ngắn gọn mà đọng lại ánh nhìn mạnh mẽ: “Lạc rừng giấc ngủ vẫn say/Tròn con mắt thức là cây súng trường”.

Điều thú vị còn được nhận ra dù mới bước đầu, ở dấu hiệu chuyển giao thế hệ, khi đọc từ vẻ điềm đạm, nền nã, thong thả hay cảm hứng cộng đồng của nhiều nhà thơ đàn anh, đàn chú, sang mấy nét liên tưởng phức tạp, dồn nén hơn, đi sâu vào thế giới nội cảm của các cây bút thế hệ mới. Có thể đặt bên cạnh nhau hai khổ thơ để thấy phần nào: “Hồn ta là nhà thân ta đến ở/Đi đâu về đâu hỡi vầng ngói cổ/Phố thành giấc ngủ cho ta nằm mê” (Đi trong phố cổ Hà Nội, Vũ Quần Phương), và “Tôi nhốt Ánh sáng và Bóng đêm vào nhau/Một tôi bao la cưỡi thuyền vượt sóng/Nở hoa trên thân xác/Trọn vẹn hai sắc màu” (Tôi…, thi sĩ 8X Khánh Văn Trần Nhật Minh). Cả sự trong trẻo từ bài thơ “Mùa thu” (nhà thơ Lâm Huy Nhuận) - “Em còn nhìn bỡ ngỡ/Hai mắt tròn như đôi tiếng chim” sang nét dạn dĩ trong thơ Hoàng Vân Khánh thuộc lứa 8X, cũng thấy đã khác: “thơm ngái mùa hoa cuối vụ/ừ mà tháng sáu vừa đi/mưa như tình nhân vừa khóc” (Mưa).

Qua chuỗi thơ mà mỗi “người nhà đài” ấy chỉ có thể góp mặt một bài, thậm chí, có thể lại nghĩ đến một dòng chảy hay một diện mạo thơ Đài Tiếng nói Việt Nam qua sự tập hợp đầy đặn hơn, cũng là điều đáng thực hiện. Dĩ nhiên, một tác giả thơ cất lên tiếng nói, xác lập dấu chân mình trên con đường chung, là dựa trên rất nhiều những liên hệ đa dạng với đời sống, thời cuộc. Nhưng trong đó, hẳn rằng sẽ có dấu vết của cách nghĩ, cách làm, những trải nghiệm bắt nguồn từ thực tiễn nghề nghiệp.

*

Ý nghĩa 75 năm đồng hành cùng đất nước, nhân dân và hòa mình trong đời sống, như thế, càng rõ nét hơn qua cuốn sách này: “Đài Tiếng nói Việt Nam - Thơ & Nhạc”. Cuốn sách là điểm dừng chân, cũng là sự phác gợi, cho người đọc, người nghe hồi tưởng về dòng chảy sâu xa của một tiếng nói lớn mạnh, là tập hợp của nhiều tiếng nói sáng tạo, cống hiến và hăng hái dấn thân cùng đất nước. Sự dấn thân ấy, đang được viết tiếp cùng hiện tại, cũng là câu hỏi nhiều thúc giục với sức sáng tạo, bứt phá của thế hệ hôm nay.

(Nguồn: https://nhandan.org.vn/)

 
Tác giả: Nguyễn Quang Hưng
 

Tin liên quan

06/03/2021
Nhạc sĩ Phú Quang đã được vinh danh ‘Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội 2020’ tại lễ trao Giải thưởng Bùi Xuân Phái vừa diễn ra chiều 7/10.
23/02/2021
Chín ca khúc gồm: Thị, Mía, Khế, Cà rốt, Sầu riêng, Na, Thuyền giấy, Thả diều, Em yêu tổ quốc em. Cố nhạc sĩ phổ nhạc dựa theo lời thơ Phạm Hổ, xoay quanh những loại quả, trò chơi tuổi thơ với lời ca trong trẻo, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ ...
23/02/2021
Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam (VNOB) đã hoàn thành việc mua bản quyền âm nhạc của vở nhạc kịch “Những người khốn khổ” và sẽ công diễn tác phẩm vào đêm 21-22/11, tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
23/02/2021
Đại sứ quán Australia tại Việt Nam cho biết, một dự án hợp tác giữa nghệ sĩ Việt Nam Mademoiselle và nhạc sĩ Australia Floyd Thursby mang tên “The South Lands” vừa được các nghệ sĩ giới thiệu.