Người con gái sông La

03/10/2016

Trong thời chiến tranh chống Mỹ, sát cánh bên cạnh anh bộ đội luôn có những đồng đội với vũ khí không phải khẩu súng mà là "nào cuốc nào choòng, xoong nồi xủng xoảng" (thơ Phạm Tiến Duật), được gọi bằng cái tên giản dị nhưng cực kỳ ấn tượng: Thanh niên xung phong.


Thanh niên xung phong thời chống Mỹ (Ảnh: Tư liệu)

Lẩn mẩn chuyện cũ, nhớ hồi tháng 8 năm ngoái, tại tỉnh Nghệ An khánh thành di tích Truông Bồn, một túi bom thời chiến tranh chống Mỹ. Tại đây, trên diện tích cái xóm nhỏ chỉ 200.000 mét vuông (20ha) đã có hơn 1.200 bộ đội, TNXP hy sinh. Tôi sực nhớ xứ mình những đất thiêng như vậy nhiều lắm, mà ngã ba Đồng Lộc ở Hà Tĩnh là một điển hình. Tại ngã ba nổi tiếng Đồng Lộc, có thể nói, mật độ bom, mật độ người chết do bom đạn, mật độ anh hùng dày nhất thế giới. Không chỉ 11 cô gái TNXP mà cả ngàn bộ đội đã hy sinh nơi này, trong đó có người anh họ tôi là Ngô Duy Điệng con bà bá tôi khi anh đang trên đường hành quân vào Nam qua đây, nay chưa tìm thấy mộ. Rất nhiều người lính đã hy sinh khi chưa tới chiến trường.

Bên cạnh hàng ngàn anh hùng liệt sĩ vô danh ấy mà chúng ta đời đời ghi nhớ có những con người tên tuổi, hành động, vẻ đẹp đã gắn với Đồng Lộc, với ngã ba, điển hình là cô gái TNXP La Thị Tám. Chị đã cùng tiểu đội thép của mình bám trụ giữa túi bom, đạp lên bom thù mở tuyến thông xe, nối mạch máu giao thông ra tiền tuyến. Nói như nhà thơ Phạm Tiến Duật, "đường trong tim anh in những dấu chân" (Gửi em cô thanh niên xung phong). Trong ca khúc Người con gái sông La, ta luôn bắt gặp những hình ảnh đẹp đẽ kiên cường, phi thường của người con gái thời chiến, của những nữ TNXP chứ không phải chỉ riêng La Thị Tám: "Em dõi theo từng ngày, đếm từng loạt bom rơi. Cho bom nổ bên tai, em vẫn đứng giữa trời... Em người chiến thắng sức mạnh bạo tàn, đạp lên cái chết dáng em hiên ngang. Em là trời biếc của mùa xuân Việt Nam".

Người sáng tác bài hát này, đại tá Doãn Nho, một nhạc sĩ quân đội kỳ cựu, chính ông là tác giả bài quân ca Tiến bước dưới quân kỳ và nhiều ca khúc nổi tiếng khác, trong đó có bài Chiếc khăn piêu mà ca sĩ Tùng Dương nhờ đó đoạt giải Bài hát yêu thích năm 2013.

Lời bài hát Người con gái sông La được phổ theo bài thơ của nhà thơ Phương Thúy. Ít người biết chị là nhân vật khá đặc biệt, một nghệ sĩ đàn tam thập lục nổi tiếng, là con gái cưng của nhà phê bình Hoài Chân - Nguyễn Đức Phiên (người viết Thi nhân Việt Nam chung với anh ruột là Hoài Thanh), vợ của nhà báo nhà văn Tuân Nguyễn. Tuân Nguyễn bị hàm oan vụ án xét lại chống đảng, đi tù năm 1968, chị Phương Thúy đằng đẵng chờ chồng, chấp nhận cực khổ. Sau 1975, anh được thả, hai anh chị vào Sài Gòn mưu sinh, anh đi bán báo dạo kiếm sống, bị xe máy tông và qua đời. Chị về Bắc, khủng hoảng tâm lý, phải vào trại tâm thần - dưỡng lão Bắc Ninh sống nốt những năm cuối đời, gần như quên hết cả những vui buồn khổ đau đã chịu đựng trong kiếp trầm luân.

Nhiều nữ ca sĩ đã thành công với ca khúc Người con gái sông La, trong đó đáng kể nhất là các NSND Tường Vy, Lê Dung, Thu Hiền, các ca sĩ Anh Thơ, Hương Loan... Ca sĩ Tường Vy - người hát hay nhất bài này trong clip kèm theo, là giọng hát nổi tiếng những năm 60-80, được phong NSND. Tôi nhớ hồi còn bé nghe người lớn kể viên đại tá Coong Le (người đời quen gọi là tướng Coong Le) thuộc phái hữu bên Lào sang thăm VN. Chính quyền Hà Nội tìm cách lôi kéo ông ta vào phe Pathet Lào của Hoàng thân Suphanuvong. Vị khách Lào được nghe Tường Vy hát, mê quá, đề nghị các nhà lãnh đạo miền Bắc làm mối cho ông ta, nhưng nghe rằng ca sĩ Tường Vy không chịu. Coong Le không lấy được người đẹp, trở về Lào ngả theo phe Hoàng thân Suvanaphuma đánh nhau với Suphanuvong Pathet Lào. Ấy là tôi nghe kể vậy. Giờ chị Tường Vy còn sống, giá có thời gian hỏi han kỹ càng, sẽ biết được nhiều điều thú vị.

Người con gái sông La

NGƯỜI CON GÁI SÔNG LATrời mô xanh bằng trời Can Lộc,Chứ nước mô xanh bằng dòng nước sông LaAi về Hà Tĩnh mà quê ta,Nhớ chăng nhớ chăng đôi mắt ơ ơ...Người con gái sông La kiên cường ớ ờNgười con gái quê ta, đôi mắt trong tựa ngọcĐôi giọt nước sông La thương như trời quê taEm dõi theo từng ngày, đếm từng ...

(Nguồn: http://motthegioi.vn)

Tags:

Tin liên quan

23/02/2021
Ca ngợi Hồ Chủ tịch là một trong những bài hát hay nhất về lãnh tụ Hồ Chí Minh của cố nhạc sĩ Văn Cao, cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam. Giai điệu ca khúc hào sảng, sang trọng toát lên thần thái vĩ đại của lãnh ...
23/02/2021
“Việc ra mắt tác phẩm “Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong, Tác phẩm-tác giả” chính là dịp chúng ta Trả lại tên cho Ông. Bởi cho đến nay vẫn nhiều người vẫn không biết nhà soạn kịch Nguyễn Trung Phong chính là tác giả của giai điệu nổi tiếng Giận ...
23/02/2021
Ca khúc Hành khúc Tổng cục Chính trị được nhạc sĩ Đức Trịnh viết vào năm 2014, đúng dịp kỉ niệm 70 năm ngày truyền thống Tổng cục Chính trị (TCCT). Ca khúc này đã được chọn làm ca khúc chính thức của TCCT và được biểu diễn trong Lễ kỉ niệm ...
21/02/2021
Hai ca khúc “Đại thi hào Nguyễn Du” và "Phiêu bồng trần gian" mở đầu và kết lại bộ phim được đầu tư 15 tỷ đồng, nhân dịp kỷ niệm 255 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của vị danh nhân văn hóa này.