Bàn về cái bi cái hài trong chèo cổ

21/01/2013

 1. Như chúng ta đều rõ, do hai địa hình, hai phương thức sống mà đã hình thành hai nền văn hóa du mục– phương Tây và nông nghiệp – phương Đông với những đặc trưng, đặc điểm khác nhau. Thông qua những đặc điểm văn hóa riêng biệt của phương Đông so với phương Tây mà phương Đông đã tạo ra Kinh dịch – triết học âm dương của mình.

Triết học âm dương của phương Đông trong Kinh dịch có cái gọi là “Vô cực như Thái cực” và Thái cực là cái toàn thể - là tư tưởng mang tính triết học cơ bản của Kinh dịch. Do đó, người phương Đông khác với người phương Tây trong nhận thức về thế giới bắt đầu từ cái toàn thể, chứ không phải từ cái bộ phận, từ tư tưởng tổng hợp, chứ không phải từ tư tưởng phân tích…

Xuất phát từ triết học âm dương của phương Đông ấy mà nghệ thuật Chèo cổ Việt Nam đã phải tuân theo học thuyết cơ bản của Kinh dịch là Thái cực – cái toàn thể và tổng hợp. Cái toàn thể và tổng hợp của Chèo cổ không chỉ được thể hiện qua nội dung tổng hợp của loại hình sân khấu, mà còn có cả hát, múa, nhạc, văn, thơ, nói, ngâm, diễn… với những mối quan hệ tổng thể - tổng hợp giữa chủ thể với khách thể; giữa nghệ sĩ với khán giả; giữa ước lệ, cách điệu, tượng trưng với nhân vật; giữa tả ý với tả thực; giữa mô hình nhân vật với các mô hình múa, làn điệu, hóa trang, phục trang; giữa biểu hiện hình tượng với ngẫu hứng v.v… Đó chính là tính nguyên hợp của văn hóa dân gian (folklore) mà Chèo cổ là một hình thái của văn hóa dân gian Việt Nam. Cho nên, Chèo cổ không thể đứng ngoài triết học âm dương, không thể thiếu môi trường nguyên hợp và tư duy nguyên hợp. Vì vậy, “Chèo cổ không có sự phân biệt rạch ròi giữa cái bi với cái hài, cái cao cả và cái thấp hèn để rồi như nghệ thuật sân khấu phương Tây tách biệt ra thành từng loại kịch mang thể tài riêng như bi kịch, hài kịch, chính kịch… Cấu trúc của kịch hát phương Đông (trong đó có Chèo cổ) thật phức tạp, nó chứa đựng bên trong rất nhiều những thành phần, những yếu tố, có hòa hợp, có tương phản (nhưng không tương khắc) như những cặp âm dương tương giao, tương thành, tương ứng, tương cầu, vận động biến hóa trong mối liên hệ hữu cơ với nhau như một sinh vật sống vậy”.


Cảnh trong vở " Quan âm Thị Kính"

2. Vấn đề nổi trội nhất trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt Nam ở thời kì trung đại – nói cho cùng, là thế ứng xử của con Người trước Đời và Đạo.

Đời – là phạm trù trần thế, vật chất hữu hình; cuộc sống trần gian có hạn, tạm thời; là hiện thực, khổ đau, vất vả, có cả thiện lẫn ác… Còn Đạo – là phạm trù tín ngưỡng, tôn giáo; là cuộc sống phi trần thế, vô hạn, vô hình, mơ mộng, vĩnh cửu và cơ bản là lương thiện…

Đời và Đạo – là hai phạm trù luôn luôn tồn tại trong mỗi con Người – Đời người – làm Người của Đại Việt. Chúng là cái chung như cái sinh tồn hiện hữu cho cả Đời và Đạo của con Người – đời Người – làm Người. Vì, Đời không thể vô Đạo và Đạo không thể không có Đời. Do đó, tốt Đời thì đẹp Đạo, lợi Đạo thì phải ích Đời. Phật giáo, vốn xuất thế, nhưng đến Việt Nam thì phải nhập thế để lo việc nước, việc đời. Nho giáo, vốn lo việc đời, nhưng vào Việt Nam thì cũng phải hướng tới Đạo, tới tâm linh để trở thành một Đạo gần như tôn giáo hay có tính tôn giáo. Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam là cái đời thực cao cả, cũng phải được linh hóa, thiêng hóa, Đạo hóa để trở thành Đạo nhà…

Đạo – Người – Đời là ba mối quan hệ thống nhất biện chứng trong đời sống văn hóa tinh thần của người Đại Việt và trong đó con Người là trung tâm. Vì, có con Người mới có Đời và Đạo và do con Người mà Đời và Đạo mới được hiện hữu. Do đó, Đạo dù có thiêng liêng thì thiên đường vẫn phải ở ngay trần gian với con Người, nếu không thì Đạo vô nghĩa và không có tiền đề cho thiên đường. Trần gian dù có hướng tới thiên đường thì trần gian đó vẫn là con Người đang sống và con Người không thể xa rời trần gian để thành Phật. Không có thế giới bên này thì không có thế giới bên kia và không có con Người thì chẳng có thế giới thiêng liêng nào cả.

Con Người Đại Việt luôn luôn sống trong mối liên hệ giữa Đời và Đạo nên đã nhận thức ra chân lí của lẽ sống: “nhân nào thì quả ấy”, “gieo gió gặt bão”, “cha ăn mặn, con khát nước”, “ở hiền gặp lành”… Đó chính là tốt Đời, đẹp Đạo và đẹp Đạo, tốt Đời.

Triết lí nhân sinh của con Người Đại Việt giữa Đời và Đạo đã trở thành chủ nghĩa nhân văn cao cả trong lịch sử văn hóa Việt Nam: “Thương người như thể thương thân”,“Lá lành đùm lá rách”,“Một điều nhịn chín điều lành”, “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, Người trong một nước thì thương nhau cùng”… và đề cao cuộc sống có nhân nghĩa, thủy chung, trọng nghĩa, khinh tài v.v… tạo cho chủ nghĩa nhân văn Đại Việt mang tinh thần hiện thực, nhập thế, rộng mở, bao dung, hòa đồng sâu sắc với triết lí: bàn về Người nhiều hơn nói về Trời, quan tâm đến sự hiểu mình, hiểu người hơn là hiểu về thần thánh: “Thức lâu mới biết đêm dài/ Ở lâu mới biết con Người có nhân”, “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”, “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”, “Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ”…

Mặt khác, như đã biết, tôn giáo, tín ngưỡng là sản phẩm chung của nhân loại. Nhưng tôn giáo, tín ngưỡng ở thời Đại Việt bao giờ cũng là Đạo song hành với Đời và được “siêu nhiên nội tại”, “thần thánh hóa đạo đức luận” và được “thăng hoa đạo đức”. Do đó, con Người Đại Việt thường tự hào: sống làm tướng, chết làm thần, thần cũng là người và thánh cũng là người. Hơn nữa, ở thời Đại Việt, cái thần thoại và cái hiện thực luôn luôn được đan xen vào nhau trong cuộc sống hàng ngày. Như Thăng Long đó, có Hồ Gươm, nơi Lê Lợi trả kiếm cho thần Kim Quy. Và, con Người Đại Việt, tuy sống ở trần tục mà vẫn mang những ước mơ chưa có thực: họ chúc nhau để “trẻ mãi không già”, “sống lâu muôn tuổi”, “thọ tỉ Lam Sơn, phúc như Đông Hải”, “vạn sự như ý”… với bao điều không thể có, nhưng lại làm cho nhau vui vẻ. Đó là cái “thiết thực” gắn liền với “cái ảo”, cái Đời gắn với cái Đạo và cái Đạo gắn với cái Đời. Nghĩa là, xuất thế mà không chạy trốn cuộc đời và nhập thế mà không phải lúc nào cũng ưu tư thời cuộc. Vì vậy, người Đại Việt khi nói Đời và Đạo là nói tới cái sống và cái chết. Cái sống, cái chết ở người Đại Việt, thông qua văn hóa, là triết lí về cái “sống – còn” – sống là còn và chết cũng là còn. Không sợ chết và biết lo cho cái chết khi còn đang sống. Cái sống và cái chết của người Đại Việt rất gần gũi nhau trong văn hóa, cho nên, người Đại Việt, khi đang sống thường thốt ra từ “chết”: thôi chết, buồn chết, sợ chết, vui chết, sướng chết, ăn chết, chết cha… và họ không xem cái chết là kẻ thù của cái sống để rồi tuyên chiến với nó giống như Don Quixote tuyên chiến với chiếc cối xay gió, không phải “chết là hết”, là “sống gửi thác về”, là “giải thoát”… mà là tìm thấy giá trị của cái chết trong cái sống, trong thực tại để được thăng hoa cái chết của mình ở thế giới tâm linh…

Như vậy, bằng cái văn hóa tinh thần, thông qua Đời và Đạo của con Người, đời Người ở Đại Việt ấy,không thể có cái gọi là bi kịch, hài kịch ở văn học nghệ thuật nói chung và ở Chèo cổ nói riêng.

 

Một vở Chèo cổ của Nhà hát Chèo Hà Nội

3. Theo nguyên lí mĩ học Mác – Lênin, cái bi – là cái đẹp bị hủy diệt; là nỗi đau khổ, chết chóc của con Người và tạo nên cảm xúc xót xa, thương tiếc, đồng cảm của con Người; là mâu thuẫn giữa cái tự do và tất yếu, giữa yêu cầu tất yếu về mặt lịch sử với khả năng không thể thực hiện được nó trong thực tiễn… Còn cái hài – là cái xấu khác thường, cái gian dối kinh tởm, cái cũ kĩ lỗi thời cản trở sự phát triển xã hội và ngự trị trên cái đẹp trong xã hội, tạo cho khán giả buồn cười, phê phán…

Bằng những nguyên lí mĩ học đó, soi chiếu vào 7 vở chèo cổ thì chắc chắn rằng: ở Chèo cổ, không có cái bi và cái hài, thậm chí, không có cả tính bi lẫn tính hài nữa. Vì không có cái bi thì làm sao có tính bi, không có cái hài thì làm sao có tính hài?

Mặt khác, ở Chèo cổ, luôn luôn được tồn tại cái “kết thúc có hậu”. Kết thúc có hậu – là một phạm trù mĩ học của Đại Việt. Nó không chỉ có trong văn học nghệ thuật thành văn, mà còn có cả trong văn học dân gian truyền miệng và trở thành ước vọng của cuộc sống, qui luật khách quan của hiện thực xã hội; thành thi pháp của Chèo cổ; tạo ra nguyên lí “văn dĩ tải đạo” trong Chèo cổ. Kết thúc có hậu đã như một phương tiện phủ định quan niệm về cái bi với cái hài của Chèo cổ.

 

Vở Chèo "Oan khuất một thời" - Nhà hát Chèo Hà Nội

Hơn nữa, Chèo cổ là một loại hình sân khấu kịch hát dân tộc Đại Việt. Nó được nghệ sĩ và khán giả cùng kể chuyện về mô hình nhân vật theo phương pháp tả ý đầy ngẫu hứng trong những dịp hội hè đình đám của quê hương. Xuất phát từ loại hình sân khấu: tự sự - tả ý – ngẫu hứng – hội hè và nghệ sĩ cùng khán giả kể chuyện về mô hình nhân vật… nên ở Chèo cổ không thể có cái bi, cái hài theo đúng nguyên lí của mĩ học phương Tây. Và, chỉ có mĩ học của: hỉ, nộ, ai, lạc, ái, ố, dục theo nguyên lí triết học âm dương với văn hóa tinh thần Đời – Đạo và thi pháp kết thúc có hậu, mô hình nhân vật của Đại Việt mà thôi. Ai gán ghép cho Chèo cổ thành loại hình có các thể tài bi kịch, hài kịch là sai lầm, hoặc ở Chèo cổ: có sự kết hợp hài hòa đến tuyệt diệu giữa cái hài với cái bi và thành một thuộc tính phẩm chất độc đáo của Chèo thì càng vô lí…

(Nguồn: nghethuatbieudien.vn)

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...